Cổ phiếu ngành bia đậm vị ‘đắng’
Doanh số khả quan nhờ Tết Nguyên đán đã giúp nhiều hãng bia kỳ vọng về một năm may mắn, nhưng thực tế lại đi ngược, từ đó cũng tác động tiêu cực đến thị giá cổ phiếu. Chuyên gia dự báo khó khăn chung của ngành bia còn kéo dài.
Theo thống kê, sự sụt giảm liên tục khiến doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt xuống hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng trong năm 2022. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.
Doanh nghiệp chưa có dấu hiệu phục hồi
Một trong những đơn vị sụt giảm nhiều nhất là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) với doanh thu giảm từ 35.200 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 30.700 tỷ đồng trong năm 2023.
Trái ngược kỳ vọng, doanh nghiệp ngành bia tiếp tục đi lùi.
“Ông lớn” ngành bia khác là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) cũng không “khá khẩm” hơn là bao khi báo cáo doanh thu thuần 7.757 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 356 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 30% so với cùng kỳ.
CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD) cũng vừa trải qua kỳ kinh doanh không mấy thuận lợi khi báo lỗ quý IV/2023 hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi. Luỹ kế cả năm 2023, công ty lãi sau thuế 6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với năm 2022.
Nằm trong nhóm doanh nghiệp đồ uống có cồn còn có CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, mã: HNR) - chủ thương hiệu Vodka Hà Nội. Tình hình thậm chí kém sắc hơn khi doanh nghiệp đã miệt mài báo lỗ tới 27 quý liên tiếp.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Halico ghi nhận lỗ sau thuế hơn 4 tỷ đồng, đưa lỗ ròng cả năm 2023 lên gần 10 tỷ. Công ty đã thua lỗ triền miên 8 năm liền không một đồng lãi, đưa lỗ lũy kế lên hơn 457 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 giảm tới 25%, chỉ đạt hơn 43 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa (THB) cũng chứng kiến một năm kinh doanh ảm đạm khi lợi nhuận năm 2023 chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2022.
Nhìn chung, ngay từ đầu năm 2023, doanh số khả quan trong quý I/2023 nhờ Tết Nguyên đán đã giúp nhiều hãng bia kỳ vọng về một năm may mắn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được lại cho thấy mọi chuyện không được như ý.
Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân khiến sản lượng tiêu thụ bia giảm mạnh như tình hình kinh doanh khó khăn, ảnh hưởng bởi Nghị định 100. Ngoài ra, sự bùng nổ của các thương hiệu bia nhập khẩu ở phân khúc cao cấp cũng ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp bia trong nước vốn mạnh ở phân khúc trung bình.
Mặt khác, không chỉ ở đầu ra, ngành bia còn đối mặt với thế khó ở giá cả nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Cổ phiếu khó có thể trở mình?
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành bia cũng không còn được chú ý, kéo thị giá cổ phiếu nhóm này đi thụt lùi. Thậm chí, cổ phiếu SAB còn về vùng đáy lịch sử khi đang vấp phải những biến số khó lường trong nhiều năm qua.
Giá cổ phiếu SAB lao dốc, đặc biệt là đợt giảm mạnh vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ánh hào quang của những tháng cuối năm 2017 ngày càng xa dần.
Kể từ thời điểm Bộ Công Thương thoái vốn vào tháng 12/2017 với giá “khủng” 320.000 đồng/cp, tương đương giá 160.000 đồng/cp sau điều chỉnh do thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 vào tháng 9/2023, đến nay cổ phiếu SAB chưa một lần chạm đến vùng cao lịch sử đó, thậm chí còn đang giao dịch tại vùng thấp nhất từ khi niêm yết, quanh mức 58.000 đồng/cp.
Báo cáo của Chứng khoán Funan cho rằng rủi ro quan trọng của ngành bia là sức cầu chưa có tín hiệu cải thiện bởi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng không thiết yếu như bia, rượu.
Đặc biệt, chi tiêu cho rượu bia giảm không chỉ là câu chuyện khó khăn nền kinh tế, mà còn là xu hướng tất yếu trong tương lai khi các mặt hàng đồ uống không tốt cho sức khỏe sẽ bị giảm dần chi tiêu.
Theo Forbes, xu hướng này đang bị ảnh hưởng bởi nhận thức ngày càng tăng về các nguy cơ sức khỏe sau dịch Covid-19 cũng như việc thế hệ trẻ đang dần sử dụng ít đồ uống có cồn hơn.
Thế hệ Gen Z ngày nay đang uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials (Gen Y) do những lo ngại về sức khỏe và những thay đổi về hành vi tiêu dùng. Hơn nữa, những thay đổi về pháp lý và quy định nhằm hạn chế các hành vi uống bia rượu có hại cũng góp phần làm giảm nhu cầu.
Do đó, doanh thu thị trường bia trong nước vẫn khó có thể quay về mốc trước đại dịch Covid-19, dẫn tới thị giá cổ phiếu ngành này khó có thể kỳ vọng có những bước chuyển mình trong tương lai.
Theo Reuters, các nhà phân tích kỳ vọng nhà sản xuất bia lớn thứ hai thế giới Heineken sẽ đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận hoạt động hữu cơ là 9,9% trong năm tới, nhờ chi phí giảm so với mức cao của năm ngoái.
Tuy nhiên, nhà sản xuất bia Hà Lan này nhấn mạnh lợi nhuận năm 2024 có thể giảm đáng kể so với ước tính của các nhà phân tích do biến động địa chính trị và kinh tế.
Heineken cho biết đã tăng giá đáng kể trong suốt năm 2023 để bù đắp chi phí tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến khối lượng.
Doanh số của Heineken giảm 4,7% vào năm 2023, trong đó hơn 60% là do sụt giảm ở Việt Nam và Nigeria, hai thị trường trọng điểm của tập đoàn nơi các điều kiện kinh tế và chính trị ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Công ty đã cắt giảm dự báo năm 2023 vào tháng 7, với lý do tình trạng không khả quan ở các thị trường đó. Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất của Heineken và trước đây là thị trường mang lại lợi nhuận chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận