Cổ phiếu MBB với cơ hội tăng trưởng tín dụng và cải thiện CASA bán lẻ
Theo BSC, cổ phiếu MBB - Ngân hàng TMCP Quân đội sẽ có cơ hội cải thiện thị giá, trên nền tảng tín dụng bứt tốc với sự cải thiện CASA từ bán lẻ.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8, cổ phiếu MBB cán mốc 24.500 đồng/cp, đây là mốc giá cao nhất của MBB trong vòng 08 tháng qua
MBB vừa công bố lợi quý II/2024 hợp nhất đạt 7.600 tỷ tăng 22,7%, hoàn thành 46% dự báo của BSC. Đóng góp chính vào lợi nhuận hợp nhất quý II đến từ ngân hàng mẹ với 7.900 tỷ (tăng 29,2% và từ Công ty Chứng khoán MBS tăng 75,1%).
Động lực chính cho lợi nhuận quý II đến từ các nguồn thu ngoài lãi cao vượt kỳ vọng, đạt 3.600 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng bứt tốc với sự cải thiện CASA bán lẻ, MBB ghi nhận tăng trưởng tín dụng hợp nhất quý 2 đạt 9,3% (trong khi đó, quý 1 chỉ tăng < 1%), được đóng góp từ riêng lẻ tăng 9,1%, dư nợ MBS tăng 8,2% và MCredit ước tăng 13,3%. Theo phân khúc, nhóm bán lẻ +7%, SME +11%, doanh nghiệp lớn +12-13%. Tuy nhiên nhu cầu thực vẫn tập trung chính ở nhóm doanh nghiệp lớn.
Dù tín dụng tăng tốc, huy động của MBB chỉ +3,5% sau quý II (dù tiền gửi +9%) khiến LDR thuần tăng lên 94%, cao nhất từ 2017 đến nay. Tỷ lệ CASA có sự cải thiện lên 38,6% (+2 điểm %) với nhóm bán lẻ đóng góp 60% tỷ trọng. MBB cho biết tệp khách hàng đã đạt lớn hơn 28 triệu, cao nhất ngành. Việc tối ưu hóa cơ cấu huy động cũng là yếu tố chính giúp NIM quý II của ngân hàng tăng 33 điểm phần trăm.
Theo BSC, chất lượng tài sản của MBB được cải thiện tương đối rõ nét, đúng như cam kết của Ban Lãnh đạo MBB. Cả tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu giảm lần lượt xuống 1,8% (giảm 46 điểm phần trăm) và 1,6% (giảm 85 điểm phần trăm). Theo đó, nhóm bán lẻ vẫn đóng góp chính vào nợ xấu với tỷ trọng gần 80% và 20% còn lại chủ yếu đến từ SME.
Ngân hàng dự kiến triển vọng dòng tiền của 2 nhóm này vẫn còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 chiếm khoảng 0,59% dư nợ tại cuối quý II/2024. Nợ xấu tại MCredit ước tính vẫn duy trì ở mức 7%, và MBB cho biết đang thay đổi mô hình từ cho vay tiền mặt qua các POS sang mô hình cho vay trả góp/cho vay dựa trên chấm điểm tín dụng (chất lượng tài sản tốt hơn).
Về nhóm nợ của 1 số khách hàng lớn, theo BSC, dư nợ Trung Nam đã giảm thêm khoảng 2 nghìn tỷ, tập trung vào 3 dự án điện mặt trời độc lập và dòng tiền trả nợ được đảm bảo. Dư nợ NVL giảm khoảng 1.500 tỷ trong năm nay, các dự án ở Phan Thiết và Vũng Tàu đến có tiến triển tốt, không gặp vấn đề pháp lý cũng như dòng tiền trả nợ trong 2024. Riêng dự án AquaCity Đồng Nai đang được theo dõi. SunGroup và Vingroup cũng không gặp vấn đề gì về dòng tiền trả nợ. BSC đánh giá hiện thu nhập ngoài lãi của MBB tăng trưởng mạnh với động lực từ thu phí tiền mặt và thanh toán (bao gồm thẻ, chuyển tiền quốc và LC) bù đắp cho bancassurance.
Dù còn giảm so với cùng kỳ, MBB đã lấy lại vị trí số 1 về quy mô doanh thu phí bảo hiểm trong quý II/2024. Tệp khách hàng của ngân hàng gia tăng nhanh, dự kiến cuối 2024 đạt 150.000 với CASA bình quân 8.000 tỷ tương đương 53 triệu/khách hàng. Dự kiến hết 2024 mảng này sẽ đem lại thu phí gần 500 tỷ và đóng góp 10% danh thu dịch vụ toàn hàng.
BSC dự kiến, trong quý III/2024, MBB dự kiến đạt mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất 12-13% . Chi phí vốn trong quý dự kiến tăng khoảng 10-15 điểm bình quân do lãi suất huy động tăng sớm hơn dự kiến, chi phí dự phòng cũng dự kiến tăng. Ngân hàng đang đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế quý III/2024 tăng 6%, 15% cổ tức cổ phiếu còn lại trong kế hoạch cổ tức 2024 cũng dự kiến được chi trả trong tháng 09-10/2024.
Như vậy, xét cả năm, MBB cho biết có nhiều khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 28.400 tỷ đồng, tăng 8%. BSC nhận định, dự báo lợi nhuận trước thuế 2024 của MBB đạt 29.000 tỷ tăng 10%, tương ứng với P/B 2024F = 1.1x và giá mục tiêu của MBB là 29.300 đồng/cp. Nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu MBB cho mục tiêu khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận