Cổ phiếu họ Apec liên tục tăng trần, nên "găm" hàng hay chốt lời?
Theo chuyên gia, ba mã API, IDJ, APS thuộc họ Apec mang “vóc dáng” cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Chính vì vậy, nhà đầu tư lướt sóng cần có sự thận trọng.
Sau gần 1 năm “linh hồn” của Apec Group là ông Nguyễn Đỗ Lăng vướng lùm xùm về tội Thao túng thị trường chứng khoán hồi tháng 6/2023, thời gian gần đây bộ ba cổ phiếu nhóm Apec gây chú ý khi có những phiên giao dịch thăng hoa và liên tục hút tiền tốt.
Nổi bật là API của CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương đã có 5 phiên trần liên tiếp. Kết phiên 23/5, mã này tăng 8,86% lên mức 8.600 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, API đã tăng 2,2 lần từ 4.700 đồng/cổ phiếu lên vùng giá hiện tại.
Đáng nói, cổ phiếu này liên tục trắng bên bán và dư mua giá trần lên đến hàng triệu đơn vị. Thanh khoản bình quân tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó lên khoảng 1,2 triệu đơn vị/phiên. Trong đó, ngày 22/5 có khối lượng giao dịch nhiều nhất với hơn 4 triệu cổ phiếu.
Đà tăng này trùng hợp với việc ông Nguyễn Đỗ Lăng - nguyên Chủ tịch Apec Group, cựu Thành viên HĐQT API xuất hiện trong ĐHĐCĐ của API ngày 10/5 vừa qua sau khi vướng lùm xùm.
Cùng trong hệ sinh thái Apec, cổ phiếu APS của CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương và IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng có những phiên giao dịch tích cực sau sự xuất hiện của ông Lăng.
Chỉ trong 1 tháng, IDJ đã tăng 56,52% từ 4.600 đồng/cổ phiếu lên 7.200 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản trung bình hơn 2,5 triệu đơn vị/ngày, trong đó ngày 14/5 có tới gần 8 triệu cổ phiếu được sang tay.
Tương tự, APS cũng tăng 46,3% từ 5.300 đồng/cổ phiếu lên 7.900 đồng/cổ phiếu trong 1 tháng trở lại. Thanh khoản trung bình khoảng 1,4 triệu đơn vị/ngày, trong đó ngày 22/5 có khối lượng giao dịch nhiều nhất với 3,7 triệu cổ phiếu.
Đã đến lúc chốt lời?
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam nhìn nhận, nguyên nhân giá cổ phiếu tăng sốc đến từ hai vấn đề. Đầu tiên là về câu chuyện liên quan đến cổ phiếu đó. Tại họ Apec, trước đó giá cổ phiếu giảm sâu do lùm xùm của lãnh đạo doanh nghiệp, đến khi ông Lăng quay trở lại thì cổ phiếu tăng bởi vấn đề đã được triệt tiêu.
Thứ hai là hội chứng FOMO. Khi cổ phiếu tăng trần đến phiên thứ 3 đã thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư, khiến nhiều người có tâm lý FOMO mua đuổi mà không quan tâm đến kết quả kinh doanh ra sao.
Ông Minh đánh giá, ba mã thuộc họ Apec mang “vóc dáng” cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Dù vậy, thời gian tới khả năng cao các cổ phiếu này sẽ diễn biến theo thị trường chung. Theo đó, sau thời gian thị trường tăng tốt và hướng tới vùng đỉnh cũ 1.300 điểm, nhiều khả năng áp lực điều chỉnh gia tăng.
Chính vì vậy, nhà đầu tư lướt sóng những cổ phiếu nóng, ở đây là bộ ba nhà Apec cần có sự thận trọng. Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh việc nắm giữ hay bán ra còn tuỳ thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.
Kết quả kinh doanh ảm đạm
Từ sau khi ông Nguyễn Đỗ Lăng bị khởi tố, bắt tạm giam các doanh nghiệp họ Apec đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh về kết quả kinh doanh trong năm 2023. Thậm chí, API và APS còn báo lỗ.
Trong năm 2023, API ghi nhận doanh thu thuần hơn 197 tỷ đồng, giảm 75% so với năm trước đó. Trừ đi các chi phí, công ty lỗ sau thuế kỷ lục từ niêm yết với 50 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lãi hơn 121 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả trên, API cho biết do thị trường bất động sản vĩ mô trong kỳ chịu nhiều tác động tiêu cực khiến nguồn cầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, số lượng hàng tồn kho của công ty không còn nhiều nên khách hàng cũng ít sự lựa chọn, đồng thời một phần cũng do tình trạng xấu của thị trường bất động sản kéo dài khiến lợi nhuận giảm.
Sang năm 2024, API lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 354 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 51 tỷ đồng và 38 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, doanh nghiệp còn cách khá xa kế hoạch khi doanh thu hợp nhất giảm gần nửa so với cùng kỳ về 34,9 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 10% mục tiêu. Khấu trừ thuế phí, API báo lỗ sau thuế 11,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 4,4 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp API báo lỗ, trước đó trong quý IV/2023, công ty cũng lỗ 19,45 tỷ đồng.
Đối với Chứng khoán Apec, năm 2023 công ty ghi nhận doanh thu hoạt động 435 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lỗ sau thuế 180 tỷ đồng do đánh giá lại giá trị tài sản danh mục tự doanh.
Sang năm 2024, Chứng khoán Apec lên kế hoạch doanh thu 123,4 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 49 tỷ đồng, cách xa so với khoản lỗ 180 tỷ đồng cùng kỳ. Kết thúc quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu gần 24 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 14% kế hoạch. Lãi sau thuế ở mức 8,1 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ và hoàn thành 16% mục tiêu đề ra.
Về phía IDJ, năm 2023 công ty ghi nhận doanh thu hơn 862 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước đó và lợi nhuận trước thuế gần 142 tỷ đồng, giảm hơn 20%. Trong năm qua, phần lớn doanh thu IDJ đến từ việc ghi nhận bàn giao sản phẩm thuộc dự án Apec Diamond Park Lạng Sơn, dự án Apec Mandala Wyndham Hải Dương, và Apec Mandala Wyndham Mũi Né.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, IDJ dự kiến doanh thu đạt 331 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng, lần lượt giảm 60% và 54% so với kết quả năm 2023. Trải qua quý đầu năm, IDJ ghi nhận doanh thu 67,7 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 20% kế hoạch. Lãi trước thuế đạt 19,2 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ và hoàn thành 29% mục tiêu đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận