Cổ phiếu DDG giảm sàn 17 phiên liên tiếp, lãnh đạo ồ ạt đăng ký bán: Cẩn trọng bắt “dao rơi”
Vốn hoá DDG của CTCP Đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương bốc hơi 80% sau 17 phiên sàn liên tiếp, còn lãnh đạo DDG và người thân đăng ký bán giữa lúc cổ phiếu lao dốc mạnh nhất từ khi niêm yết đến nay .
Diễn biến cổ phiếu DDG trở thành hiện tượng trong vài tuần qua khi cổ phiếu liên tục giảm sàn, hoàn toàn trái ngược với đồ thị hướng lên “bền vững” của cổ phiếu từ khi niêm yết 18/12/2018 (giá đóng cửa phiên đầu tiên 15.300 đồng/cp, tiến tới vùng 42.000 trước khi lao dốc).
Trong diễn biến giá cổ phiếu lao dốc mạnh, lãnh đạo cùng người thân Công ty ồ ạt đăng ký bán ra trong thời gian 10/5-5/6, bao gồm ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch HĐQT, ông Yang Tuấn Anh, phụ trách quản trị công ty; ông Trần Kim Cương, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc và vợ là bà Trần Ngọc Phụng (bà Phụng thoái toàn bộ hơn 2,7 triệu cổ phiếu); bà Trần Kim Sa, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc và con gái Yang Kiều An.
Tổng cộng số lượng đăng ký bán ra là hơn 6,1 triệu đơn vị.
Hiện giá cổ phiếu DDG từ vùng 42.000 đồng/cp đã rơi về vùng 7.300 đồng/cp, phiên cuối tuần, có hơn 15,7 triệu cổ phiếu dư bán sàn, tương ứng khoảng 26% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Vốn hoá công ty từ vùng 2.100 tỷ đồng đã rơi về vùng 440 tỷ đồng.
Trước đó, DDG có văn bản giải trình về giá cổ phiếu giảm sàn liên tục, theo Công ty, giá cổ phiếu giảm do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá cổ phiếu giảm do cung cầu của thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty. Hiện tại, Công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư thường có tâm lý khi cổ phiếu sụt giảm quá mạnh sẽ tham gia mua vào với kỳ vọng “ăn cú hồi”, với trường hợp của DDG cũng đang manh nha ý tưởng này ở trong một số cộng đồng nhà đầu tư. Tuy nhiên, góc nhìn của các chuyên gia cũng như các nhà đầu tư có kinh nghiệm, là không nên mạo hiểm, đánh cược tài sản với những cổ phiếu lao dốc mà chưa rõ nguyên nhân, chưa kể, tình hình kinh doanh của DN đang có tín hiệu khó khăn, cấu trúc tài chính cũng có những điểm tiềm ẩn rủi ro. Chẳng hạn, cơ cấu tài sản tập trung rất lớn ở khoản phải thu và tài sản cố định (đều có xu hướng tăng mạnh hàng năm), sự gia tăng này được tài trợ bằng việc tăng vốn chủ sở hữu cũng như gia tăng vay nợ ngắn hạn, đặc biệt trong 2 năm 2021-2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận