Cổ phiếu cảng biển nào sẽ “lên ngôi”?
Nhu cầu thị trường đang thúc đẩy xu hướng phát triển cảng nước sâu ở Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại động lực tăng trưởng đối với một số doanh nghiệp phát triển dịch vụ này.
Xu hướng đầu tư cảng nước sâu
Cảng Cái Mép (Bà Rịa- Vũng Tàu) là một trong những cảng điển hình cho xu hướng nói trên khi tăng trưởng hàng năm khoảng hơn 20% trong vòng 3 năm qua, và tăng trưởng 27% trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong năm 2019, Cái Mép kỳ vọng đạt sản lượng 3,5 triệu TEUs (không bao gồm sản lượng vận chuyển bằng xà lan). Chỉ riêng nhu cầu này đã tương đương khoảng 25% tổng sản lượng kỳ vọng của container quốc tế tại Việt Nam trong năm 2019 là 14 triệu TEUs.
Ngoài ra, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) cũng là một trong những cảng điển hình cho xu hướng phát triển cảng nước sâu ở Việt Nam. Cảng này có khả năng tiếp nhận, thông quan hàng hóa với tổng khối lượng khoảng 1,1 triệu TEUs/năm.
Chỉ tính riêng 2 cảng Cái Mép và Lạch Huyện đã chiếm tới khoảng 30% tổng nhu cầu cảng biển tại Việt Nam, tăng mạnh so với khoảng 5 năm trước.
Các chuyên gia cho rằng, không phải tất cả các cảng nước sâu đều tăng trưởng mạnh mẽ như cảng Cái Mép và cảng Lạch Huyện, mà chỉ những cảng có một hoặc vài cổ đông lớn là các công ty vận chuyển mới có nhiều hàng hóa lưu chuyển, các cảng khác hầu như không có hàng hóa hoặc chỉ tiếp nhận một vài tàu container.
Theo Alphaliner, có khoảng gần 80% lượng đặt đóng tàu trong 2 năm tới là tàu có sức chứa hơn 10.000 TEU, và chỉ các cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận các tàu này. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư cảng nước sâu để đón đầu cơ hội này.
Cơ hội từ GMD
CTCP Gemadept(HoSE: GMD) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất khi nhu cầu dụng cảng nước sâu đang có xu hướng gia tăng. Bởi doanh nghiệp này đang đầu tư cảng Gemalink trong khu cảng Cái Mép. Cảng này kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2020, giúp nâng cao vị thế của Gemadept trong ngành vận hành cảng biển. Sau giai đoạn 1 của Gemalink, tổng công suất của GMD sẽ tăng từ mức 1,8 triệu TEU hiện nay lên 3,3 triệu TEUs.
Được biết, hãng vận tải CMA-CGM đang nắm giữ 25% cổ phần của Gemalink. Doanh nghiệp này thuộc Liên minh Ocean Alliance, sẽ tiếp nhận hàng hóa từ các thành viên khác trong liên minh này. GMD kỳ vọng liên minh này sẽ mang đến sản lượng 1 triệu TEU trong năm 2021.
GMD được nhiều chuyên gia nhận định sẽ có sự tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận khi cả 2 giai đoạn của cảng Gemalink đi vào hoạt động. Hơn nữa, doanh nghiệp này có tỷ lệ chi trả cổ tức cao và ổn định, bình quân trên 5% mỗi năm. Do đó, cổ phiếu GMD có thể sẽ tiếp tục hút dòng tiền trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, GMD đang đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt tại các cảng ở khu vực cảng Hải Phòng. Trong khi đó, cảng Nam Hải nằm sâu trên thượng nguồn sông Cấm khó cho tàu hàng vào. Ngoài ra, dự án Gemalink phải vay 220 triệu USD nên áp lực trả nợ gốc và lãi vay cũng khá lớn.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/10, giá cổ phiếu GMD giảm 1,46% đóng cửa ở mức 27.000đ/cp, với khối lượng giao dịch hơn 420.000 đơn vị. Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu GMD đã điều chỉnh hơn 2,5%.
Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu GMD đang có xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng có triển vọng trong dài hạn. Theo đó, cổ phiếu này đang tiến dần về ngưỡng hỗ trợ 25.000đ/cp, và nhiều khả năng sẽ hồi phục trở lại từ vùng này, sau đó lại đối mặt với vùng kháng cự mạnh tại 30.000đ/cp. Nếu vượt qua 30.000đ/cp, GMD sẽ hướng tới 35.000- 40.000đ/cp. Tuy nhiên, nếu giảm xuống dưới 25.000đ/cp, GMD có thể sẽ về vùng 20.000- 22.000đ/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận