Cổ phiếu cần quan tâm ngày 8/1: MPC, BSR, HSG
Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 8/1 của các công ty chứng khoán.
MPC có thể tiếp cận lại khu vực trên 30
CTCK BIDV (BSC)
Năm 2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC – UPCoM) đặt kế hoạch sản lượng xuất khẩu là 77.400 tấn (giảm 1,3% so với năm trước), kim ngạch xuất khẩu đạt 850 triệu USD (tăng trưởng 13,3%) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.430 tỷ (tăng trưởng 58,5%).
Trong đó, lợi nhuận từ Minh Phú Cà Mau 750 tỷ, Minh Phú Hậu Giang 500 tỷ và Linh vực nuôi tôm 180 tỷ. Thay đổi phương án sử dụng tiền từ đợt phát hành: (1) Thu 3.038 tỷ (2) Chi: (1) Mua 30,8% cổ phần của MPHG: 872 tỷ (2) Trả nợ vay ngắn hạn: 1.755 tỷ (3) Trả tiền mua tôm: 315 tỷ.
Nhận định: cổ phiếu MPC đang trong quá trình hồi phục trở lại từ nền giá 18.5 sau khi đã ở trong xu hướng giảm từ tháng 4 năm ngoái. Trong ngày hôm nay 7/1, thanh khoản cổ phiếu tăng cao đã đẩy giá MPC vượt khỏi ngưỡng kháng cự 23.
Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ở trong trạng thái tích cực. Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng vẫn còn. Ngưỡng kháng cự tiếp theo của cổ phiếu nằm tại vùng giá xung quanh 27.5.
Theo đánh giá của chúng tôi, nếu đà hưng phấn hiện nay tiếp tục được duy trì, MPC có thể tiếp cận trở lại khu vực trên 30 trong trong năm nay.
Khuyến nghị khả quan cho BSR với giá mục tiêu 11.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
BSR đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2019 với doanh thu đạt 103 nghìn tỷ đồng (giảm 9,1% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo đạt 2,2 nghìn tỷ đồng (giảm 53%) chủ yếu do biên xăng dầu thấp trong 6 tháng đầu năm 2019 và tháng 12/2019. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo đã hoàn thành 188,8% so với kế hoạch lợi nhuận 2019 của BSR là 1,16 nghìn tỷ.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh này đã vượt qua dự báo cả năm của chúng tôi lần lượt ở mức 1,2% và 31,4%, chủ yếu đến từ giá và biên xăng cao hơn dự kiến vào tháng 10 và 11 nhờ nhu cầu ổn định từ khu vực Đông Nam Á khi nhiều nhà máy lọc dầu đóng cửa để bảo trì, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Về dự báo năm 2020, chúng tôi dự báo doanh thu sẽ đạt 94,5 nghìn tỷ đồng (giảm 8,2% so với kết quả sơ bộ năm 2019) do nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ ngừng hoạt động 51 ngày để bảo trì.
Trong khi đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế báo cáo sẽ tăng 17,9%, đạt 2,5 nghìn tỷ đồng nhờ sự phục hồi của biên dầu diesel và xăng, cho thấy dự báo lợi nhuận 2020 của chúng tôi là an toàn.
Chúng tôi lưu ý rằng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sơ bộ năm 2020 trước đây lần lượt là 80,6 nghìn tỷ đồng (dựa theo giả định giá dầu thô Brent là 60 USD/thùng) và 1,18 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 94,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 17% so với dự báo của BSR; điều này đến từ chênh lệch giữa giả định giá dầu thô của chúng tôi là 65 USD/thùng và giả định của BSR là 60 USD/thùng.
Ngoài ra, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số sẽ phục hồi, đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (cao hơn 115,1% so với mục tiêu của BSR) khi chùng tôi kỳ vọng biên dầu diesel và biên xăng đều hồi phục lần lượt ~73% và 15%.
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị khả quan dành cho BSR với giá mục tiêu 11.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 34,7% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,1%).
Khuyến nghị mua cho HSG với giá mục tiêu 10.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố đề xuất sẽ được trình bày nhằm xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ sắp tới của công ty diễn ra ngày 13/01/2020.
Trong năm tài chính 2020, HSG đặt mục tiêu doanh số (tương đương 1,4 triệu tấn tấm thép và ống thép so với dự báo của chúng tôi là 1,6 triệu tấn) và doanh thu bán hàng (tương đương 28 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 6% so với dự báo của chúng tôi) không tăng trưởng trong năm tài chính 2020 so với năm 2019, trong bối cảnh cạnh tranh trong nước cao và các thách thức từ hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, HSG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm tài chính 2020 tích cực đạt 400 tỷ đồng (tăng trưởng 11%, cao hơn 19% so với dự báo hiện tại của chúng tôi) khi công ty kỳ vọng biên lợi nhuận gộp khả quan hơn so với giả định của chúng tôi. HSG đặt mục tiêu biên lợi nhuận gộp trong năm tài chính 2020 đạt 12,1% so với giả định của chúng tôi là 11,7% và 11,4% trong năm tài chính 2019.
Ngoài ra, HSG đã đề xuất mức chi trả cổ tức cổ phiếu cho năm tài chính 2019 lên đến 5% trong tài liệu ĐHCĐ của công ty.
HSG cũng ghi nhận kết quả kinh doanh sơ bộ quý 1 năm tài chính 2020 với doanh thu đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (giảm 13%) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 170 tỷ đồng (tăng trưởng 180%). Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng trưởng mạnh mẽ nhờ mức cơ sở thấp ghi nhận trong trong quý 1 năm tài chính 2019 khi HSG vẫn còn ghi nhận lỗ từ mảng kinh doanh cốt lõi.
Tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận sơ bộ quý 1 năm tài chính 2020 của HSG lần lượt hoàn thành 22% và 50% dự báo cả năm của chúng tôi.
Chúng tôi lưu ý hiện vẫn chưa chắc chắn về việc kết quả kinh doanh sơ bộ tích cực hơn kỳ vọng trong quý 1 năm tài chính 2020 này của HSG có bao gồm các khoản lãi ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi hay không. Nếu kết quả kinh doanh này chỉ bao gồm mảng kinh doanh cốt lõi, chúng tôi có khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho HSG.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho HSG với giá mục tiêu 10.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 24,7%, dựa theo giá chốt phiên giao dịch hôm nay. Tại giá chốt phiên hôm nay, HSG hiện được giao dịch tai P/E và P/B năm tài chính 2020 lần lượt là 10,3 lần và 0,6 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận