Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/3: GDT, TVB, PLX, FCN
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/3 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu GDT
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform đối với GDT của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành và giữ nguyên giá mục tiêu (TP) theo Phương pháp DDM ở mức 65.425 đồng/cổ phiếu (Upside: 14,4%).
Chúng tôi lưu ý rằng giá mục tiêu bao gồm chiết khấu định giá 15% do tính thanh khoản thấp của cổ phiếu, và chưa kết hợp bất kỳ tác động nào từ việc đánh giá lại các tài sản bất động sản của Công ty.
Ở mức giá hiện tại, GDT đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 là 11,8x (dựa trên kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2022), sát với mức 12,0x so với mức trung bình 1 năm.
Chúng tôi tin rằng GDT xứng đáng được đánh giá lại định giá hơn nữa dựa trên: (1) Các yếu tố cơ bản tốt hơn (bao gồm: triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn, ROE mạnh mẽ, bảng cân đối kế toán tốt, dòng tiền hoạt động ổn định và lợi tức cổ tức hấp dẫn); (2) Triển vọng cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu; và (3) Chuẩn bị kỹ lưỡng cho chu kỳ tăng trưởng mới, bao gồm nguồn nhà máy và con người.
Khuyến nghị mua cổ phiếu TVB với giá mục tiêu 32.300 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TVB của CTCP Chứng khoán Trí Việt, với giá mục tiêu 32.300 đồng/cổ phiếu (+39%), dựa trên các luận điểm: (1) Triển vọng tăng trưởng 2022 khả quan từ sự tích cực của giá trị giao dịch thị trường, (2) kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và cải thiện vượt trội, (3) nguồn vốn tăng trưởng vượt trội tạo tiền đề cho tăng trưởng dài hạn.
Trong năm 2021, doanh thu TVB ghi nhận trưởng gần 180% so với năm trước đạt hơn 434 tỷ đồng trong năm 2021. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là hoạt động tự doanh với tỷ lệ 42%, kế đến là các hoạt động về nghiệp vụ môi giới và cho vay margin với tỷ trọng lần lượt là 31% và 25%.
Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 317%, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng cải thiện đạt lần lượt 85,75% và 69,43%.
Tổng tài sản đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng trưởng 88%, phần lớn đến từ khoản cho vay margin với hơn 1.113 tỷ đồng, tăng trưởng 92%. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2021 đạt 1.370 tỷ đồng, tăng trưởng 127%, trong đó vốn điều lệ tăng trưởng 105%, đạt 1.120 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối đạt hơn 243 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 1.275%.
Chúng tôi dự phóng TVB ghi nhận 338 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi như môi giới, tự doanh, cho vay margin tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh TTCK duy trì khả quan.
Dựa trên định hướng chiến lược kinh doanh sắp tới, chúng tôi dự phóng công ty sẽ chuyển dịch dần tỷ trọng từ phần lớn tự doanh sang cân bằng hơn với nguồn thu từ môi giới và ủy thác/ quản lý tài sản/ M&A với nền tảng từ sự tăng vốn vượt trội trong năm 2021, từ đó kết quả kinh doanh sẽ có sự ổn định mang tính cơ bản hơn.
Chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu TVB vào khoảng 32.300 đồng/CP (tăng 39% upside) với phương pháp so sánh P/B, P/E và chiết khấu thu nhập thặng dư (RI), với mức P/B và P/E forward dự kiến lần lượt là 1.7x và 7.9x.
Khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 70.200 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Kết quả kinh doanh năm 2021 của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX – sàn HOSE) có sự phục hồi mạnh mẽ bất chấp dịch Covid-19 trong năm vẫn diễn biến phức tạp, doanh thu tăng 37%, lợi nhuận trước thuế tăng 148% so với 2020.
Trong năm 2022, chúng tôi dự báo hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu xăng dầu phục hồi và giá dầu tăng cao. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến tăng 35% và 53% so với 2021. Với quy mô và vị thế của công ty, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 70.200 đồng/cổ phần.
Kết quả kinh doanh hồi phục tốt trong năm 2021 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong quý 4, sản lượng xăng dầu kinh doanh đã phục hồi tốt so với quý 3, tuy vậy vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Do giá dầu trong kỳ đạt mức cao khi tăng 76% so với cùng kỳ năm trước, đưa doanh thu tăng mạnh 58%, đạt 49.372 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 3.050 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận trước thuế đạt đạt 830 tỷ đồng (giảm 30%).
Lũy kế cả năm 2021, mặc dù sản lượng kinh doanh nội địa giảm 7%, nhờ giá dầu tăng mạnh, doanh thu đạt 169.113 tỷ đồng, tăng 37%, lợi nhuận gộp đạt 12.706 tỷ đồng, tăng 27%, lợi nhuận trước thuế đạt 3.781 tỷ đồng, tăng 168% so với mức thấp của năm 2020, hoàn thành 113% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Hoạt động quản lý tài chính trong kỳ cũng mang lại hiệu quả tốt, tại thời điểm cuối năm, công ty đang duy trì khoản tiền, tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn và dài hạn là 20.025 tỷ đồng, trong khi đó, nợ vay ngắn và dài hạn là 14.800 tỷ đồng, việc này đưa khoản thu nhập từ lãi tiền gửi đạt 683 tỷ đồng, vượt qua cả chi phí lãi vay trong kỳ là 602 tỷ đồng.
Trong năm 2021, với tình hình dịch covid19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch bùng phát trong quý 3, Việt Nam phải thực hiện phong tỏa, giãn cách nhiều tình thành, dẫn đến sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt mức thấp.
Trong năm 2022, với việc dỡ bỏ hoàn toàn giãn cách, thúc đẩy hoạt động kinh tế xã hội, chúng tôi dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng mạnh trở lại ở mức từ 6 - 8%, đây là cơ hội lớn cho công ty tiếp tục hồi phục và phát triển. Chúng tôi dự báo sản lượng xăng dầu kinh doanh trong năm 2022 của công ty sẽ đạt mức từ 12,4 - 12,6 triệu tấn, tương ứng mức tăng từ 8 - 10% so với 2021.
Giá dầu trong 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên trong khi nguồn cung tiếp tục hạn chế và đặc biệt từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, giá dầu có lúc đã chạm mức 139 USD/thùng và còn dự báo có thể chạm mức 150 usd/thùng (dầu Brent).
Với kịch bản cơ sở, chúng tôi dự kiến lấy mức giá dầu đạt 90 USD/thùng cho năm 2022. Chúng tôi cũng lưu ý giá dầu tăng giảm thực tế tác động một phần không lớn đến lợi nhuận hoạt động của công ty bởi giá bán xăng dầu được kiểm soát chặt chẽ và điều chỉnh dựa trên biến động giá dầu quốc tế.
Từ đầu năm 2022, kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, theo đó, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh 3 lần/tháng để sát với tình hình biến động giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, giá cơ sở cũng được tính theo tỷ lệ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước và nhập khẩu. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty bám sát với thị trường thế giới, tránh những cú sốc lớn tác động, ổn định hiệu quả kinh doanh.
Dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2022 của công ty lần lượt đạt 228.000 tỷ đồng và 5.790 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và 53% so với 2021.
Định giá cổ phiếu bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu và so sánh EV/EBITDA các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ dầu khí trong nước và khu vực, chúng tôi xác định giá trị cổ phiếu PLX ở mức 70.200 đồng/CP.
Khuyến nghị chốt lãi FCN tại ngưỡng 28.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu FCN của Công ty cổ phần FECON có một phiên tăng điểm khá tốt trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Thanh khoản cổ phiếu giao dịch quanh ngưỡng trung bình 20 phiên, FCN đang giao dịch quanh vùng tích lũy 23.9-26.4.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI tiếp tục cho thấy xu hướng tương đối tích cực. Đường giá cổ phiếu đã nằm trên đường MA20 tuy nhiên hiện vẫn ở dưới đường MA50.
Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 24.5, chốt lãi tại ngưỡng 28.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 22.5.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận