Có hơn 133 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, Khách sạn Sài Gòn (SGH) cũng chật vật vì dịch
Có sẵn khoản tiền gửi tiết kiệm 133 tỷ đồng “dự phòng” cùng doanh thu khởi sắc hơn cùng kỳ, nhưng Khách sạn Sài Gòn cũng chỉ báo lãi chưa đến 270 triệu đồng trong quý II/2021.
Sở hữu khách sạn nằm trên phố Đông Du ngay giữa lòng quận 1, TP.HCM, Công ty cổ phần Khách sạn Sài Gòn (SGH - HNX) không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo cập nhật mới nhất, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 vẫn có lãi, nhưng cũng chỉ rất nhỏ và mới hoàn thành được phần nhỏ so với kế hoạch kinh doanh đề ra.
Doanh thu thuần của Khách sạn Sài Gòn đạt 3,25 tỷ đồng trong quý II/2021 và hơn 6,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm. So với cùng kỳ quý II năm trước, kết quả trên đã khả quan hơn và cao gấp 2,67 lần. Tuy nhiên, Khách sạn Sài gòn vẫn tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn với khoản lỗ gộp 483 triệu đồng trong quý II và lỗ hơn 1,27 tỷ đồng nửa đầu năm.
Tuy nhiên, lợi thế của Khách sạn Sài Gòn so với nhiều khách sạn khác là khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng 133 tỷ đồng (cập nhật tại thời điểm 30/6/2021). Của đề dành trên đóng góp đáng kể vào doanh thu tài chính của công ty (khoảng 2,13 tỷ đồng trong quý II và 4,28 tỷ đồng nửa đầu năm). Đồng thời, đây cũng là nguồn chính giúp trang trải các khoản chi phí trong thời khó, giúp Khách sạn Sài Gòn vẫn báo lãi ròng, dủ chỉ vỏn vẹn 269 triệu đồng quý II và 338 triệu đồng nửa đầu năm. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ ròng tới gần 600 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Đào, Giám đốc Khách sạn Sài Gòn cho biết lợi nhuận quý này khả quan hơn cùng kỳ do tháng 4/2020 rơi trúng vào đỉnh điểm dịch tại TP.HCM.
Khoản tiền gửi trên chiếm gần 74% tổng tài sản gần 180 tỷ đồng của công ty. Ngoài lượng tiền gửi, công ty chỉ dành khoảng hơn 2,1 tỷ đồng tiền mặt và khoản tiền gửi dưới 3 tháng. Một lợi thế khác của Khách sạn Sài Gòn là các tài sản cố định của khách sạn đã khấu hao được quá nửa, có giá trị xấp xỉ 34,5 tỷ đồng. Dịch bệnh đã khiến ngành du lịch và lưu trú khách sạn lao đao.
“Tác động của dịch là một thảm họa của ngành du lịch, khách sạn nói chung và công nói riêng”, lãnh đạo công ty nhấn mạnh.
Theo báo cáo, công ty phục vụ được 7.638 ngày phòng trong năm 2020, giảm 69,3% so với năm liền trước. Lượt khách lưu trú cũng giảm từ 16.038 lượt xuống 4.617 lượt. Điều chỉnh đối tượng khách hàng mục tiêu, linh hoạt áp dụng chính sách giá phù hợp với từng kênh bán hàng, doanh thu phòng ngủ vẫn nhỉnh hơn so với kế hoạch đề ra dù giảm 10,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mảng kinh doanh ẩm thực lại tăng trưởng 29,7% so với kế hoạch nhờ công ty chuyển đổi, đưa ra các sản phẩm ẩm thực mới và tận dụng triệt để mặt bằng còn trống của khách sạn để kinh doanh.
Khách sạn Sài Gòn cũng xoay hướng sang phục vụ đối tượng khách hàng nội địa, cung cấp dịch vụ ăn uống cho các công ty tổ chức hội nghị, sự kiện, phát triển thêm dịch vụ giao hàng tận nơi cho đối tượng là nhân viên làm việc tại các văn phòng lân cận.
Dù vượt kế hoạch đề ra trong năm 2020, doanh nghiệp này tiếp tục đề ra phương án kinh doanh thận trong trong năm 2021. Trong đó, tổng doanh thu mục tiêu là 15 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ, gồm 5,45 tỷ đồng doanh thu phòng ngủ, giảm 34,3%. Mục tiêu lợi nhuận năm 2021 là 2,4 tỷ đồng, cũng giảm tới 41,4% so với năm 2020. Phương án trên dự kiến được trình cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
Cuộc họp đã bị hoãn lại vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP.HCM những ngày qua. Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, Khách sạn Sài Gòn mới chỉ hoàn thành được hơn 41% mục tiêu doanh thu và hơn 10% mục tiêu lợi nhuận theo phương án trình.
Cùng xu hướng tiêu cực chung của thị trường chứng khoán và lo ngại tình hình dịch đến hoạt động kinh doanh ngành lưu trú, cổ phiếu SGH trên sàn HNX đã giảm kịch biên độ (10%) trong phiên giao dịch ngày 12/7/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận