Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga
Theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga, doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm về thực phẩm tại Nga, nắm xu hướng tiêu dùng của thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ. Nhiều doanh nghiệp đã thành công khi tham gia nhiều hoạt động này.
Từ ngày 12/10/2021, 75 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và 2 nước kém phát triển sẽ bị loại ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi theo hệ thống (GSP). Đây là quyết định của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) gồm 5 nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Trong bối cảnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU (Việt Nam - EAEU FTA) có hiệu lực từ năm 2016 được xem là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EAEU, đặc biệt là thị trường Nga.
Nhìn lại thời gian sau khi Việt Nam - EAEU FTA có hiệu lực mà Nga là thành viên chủ chốt, ông Dương Hoàng Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, xuất khẩu nông - thủy sản từ Việt Nam sang Nga đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, một số mặt hàng đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga.
Đơn cử như với cà phê, Việt Nam hiện chiếm thị phần lớn nhất với 20,7% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Nga năm 2020. Việt Nam cũng đứng đầu ở mặt hàng xoài sấy, chiếm tới 92,4% kim ngạch hay dẫn đầu về tỷ trọng xuất khẩu cá phi lê vào Nga.
Đặc biệt, kể từ khi hiệp định trên có hiệu lực, Việt Nam đã có thêm mặt hàng bưởi đưa vào thị trường Nga, với con số xuất khẩu tăng gấp 16 lần so với thời điểm năm 2016.
Một số sản phẩm khác như tôm, cá khô, chè, hạt điều… cũng được các doanh nghiệp Việt tích cực xuất khẩu sang Nga với tỷ trọng lớn, thuộc nhóm các nước dẫn đầu. Tuy nhiên, theo ông Minh, đa số mặt hàng phần lớn chiếm trên 90% là dạng thô, hàng có giá trị gia tăng cao vẫn thấp. Nhất là mặt hàng trái cây, tuy đã có mức tăng mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn.
Nguyên nhân được chỉ ra là, mặc dù Hiệp định đã thực hiện được 5 năm với nhiều ưu đãi về thuế quan, đến nay thuế nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản từ Việt Nam sang Nga phần lớn đã về 0%, trừ một số sản phẩm có thương hiệu, chế biến sâu, tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi xuất khẩu sang Nga từ Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu giữa hai bên. Rào cản về kiểm định đặc biệt với hàng xuất khẩu thủy sản khiến chỉ có hơn 50 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu sang Nga và các nước EAEU.
Cùng với đó, sự hiểu biết về thị trường doanh nghiệp hai nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu, tham gia hội chợ, triển lãm. Một số mặt hàng trái cây của Việt Nam có chất lượng chưa ổn định, đồng đều, số lượng chưa đáp ứng tốt ở thị trường xuất khẩu, mặt hàng chưa đa dạng, chủ yếu ở dạng sơ chế, nguyên liệu, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao còn khiêm tốn. Chi phí vận tải cao, vận tải bằng hàng không, xe lửa còn hạn chế.
“Hiện nay, hàng của chúng ta có nhiều lợi thế trên thị trường Nga, cần nghiên cứu, mặt hàng nào xuất khẩu trực tiếp thì có thể xuất khẩu trực tiếp, mặt hàng nào có thể đầu tư chế biến sâu ở Nga thì đầu tư. Liên bang Nga có dân số 146 triệu người, GDP năm 2021 khoảng 1.700 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới. Kinh tế Nga đang phát triển nhanh, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nga là thị trường nhập khẩu nông sản, thủy sản lớn nhất ở khu vực Đông Âu với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 280 tỷ USD trong năm 2021. Đây là thị trường rất tiềm năng”, ông Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga cũng chỉ ra hàng nông sản, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nga tương đối yếu và phụ thuộc vào các đối tác Nga nhiều hơn là chủ động. Vì thế, doanh nghiệp cần rời khỏi vị trí nhà cung cấp, sản xuất tiến tới vị trí của người cung cấp, phân phối sản phẩm. Hàng nông sản Việt sang Nga vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường, về cách đóng gói, chế biến… Chính vì vậy doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào khâu này.
Đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh online nhất là trong đại dịch tại Nga tăng lên rất nhiều, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa chiếm lĩnh được nhiều mà dựa 100% vào các nhà cung cấp bản địa, ông Sơn khuyến nghị doanh nghiệp có thể nghiên cứu lĩnh vực này để phát triển.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Tổng giám đốc CTCP Công nghiệp Âu Việt, kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Belarus cũng đưa ra nhận định, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là chưa tìm được nhà phân phối rộng rãi. Rau quả tươi bảo quản được nhưng giá thành rất cao. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu rau quả tươi sang Nga thì phải tìm được đối tác phân phối vào hệ thống bán lẻ nhanh chóng. Về đề xuất doanh nghiệp có thể xây dựng nhà máy chế biến ngay tại Nga, ông Hùng cho rằng muốn xây dựng nhà máy tại các nước không khó nhưng quan trọng là tìm được các đối tác và các hệ thống bán lẻ, siêu thị.
Nêu một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nga thời gian tới, ông Dương Hoàng Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia các triển lãm về thực phẩm tại Nga, nắm xu hướng tiêu dùng của thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ. Nhiều doanh nghiệp đã thành công khi tham gia nhiều hoạt động này.
Cùng với đó, ông Minh cũng cho rằng doanh nghiệp Việt cần đầu tư hơn vào công nghệ chế biến, mẫu mã bao bì, mở rộng mặt hàng với chất lượng, mẫu mã đẹp phù hợp với thị trường xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận