“Chuyện lạ” ở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Hạ tiêu chuẩn tỷ lệ sở hữu của cổ đông có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị xuống 0,1%, động thái của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) đang gây xôn xao trong giới đầu tư.
Chỉ ít ngày trước khi ban hành Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ngày 26/2/2021, GVR đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc điều chỉnh, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn.
Theo điều lệ mới vừa được sửa đổi, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 0,1% tổng số cổ phần phổ thông có quyền đề cử 1 ứng viên vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban Kiểm soát, kiến nghị nội dung của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Đồng thời, Điều lệ mới cũng bỏ quy định về thời hạn nắm giữ cổ phần liên tục ít nhất trong 6 tháng.
Trước đó, tỷ lệ này là 5% - tương ứng với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, Điều lệ mới cũng nâng số thành viên Hội đồng quản trị từ 7 người (theo quy định cũ) lên 9 người, trong đó 1/3 tổng số thành viên phải là thành viên không điều hành để đảm bảo tính độc lập. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 5 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty có quyền quy định một tỷ lệ khác về quyền đề cử thành viên Hội đồng quản trị nhỏ hơn tỷ lệ 5% quy định trong Luật. Tuy nhiên, 0,1% là tỷ lệ khác biệt, mà hầu như chưa doanh nghiệp cổ phần nào ở Việt Nam áp dụng.
Được cổ phần hóa vào năm 2017, hiện nay, Nhà nước vẫn đang nắm giữ 97% vốn tại GVR, do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đại diện. Cổ đông nhà nước nắm giữ cả 7 ghế trong Hội đồng quản trị.
Với việc sửa đổi Điều lệ như vậy, nhiều người kỳ vọng, cổ đông nhỏ lẻ, chỉ chiếm tổng cộng 3% tại GVR có cơ hội giữ 2 ghế trong Hội đồng quản trị.
GVR vốn là doanh nghiệp nhà nước lớn với vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng và đang nắm giữ nhiều khu đất có thể chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đây cũng là đơn vị cung cấp gỗ lớn nhất ở Việt Nam. Lợi nhuận vài năm gần đây của Tập đoàn chủ yếu đến từ thanh lý gỗ cao su và chế biến gỗ, không phải đến từ bán mủ cao su hay bán đất. Theo bản cáo bạch năm 2020, Tập đoàn đang quản lý 4,9 triệu m2 đất ở trong và ngoài nước.
"Tỷ lệ sở hữu để có quyền đề cử chỉ có ý nghĩa để đưa được ứng viên vào danh sách bầu, còn yếu tố quyết định nằm ở tỷ lệ biểu quyết" Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh, từ mức 731 tỷ đồng trong năm 2019 lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2020; đồng thời, chi phí tài chính tăng từ 791 tỷ đồng lên 1.170 tỷ đồng. Thu nhập khác đạt 1.495 tỷ đồng, giảm so với mức 1.923 tỷ đồng của năm 2019.
Dưới góc nhìn của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc GVR hạ tỷ lệ sở hữu của cổ đông xuống 0,1% có quyền đề cử ứng viên tham gia Hội đồng quản trị “là dấu hiệu tốt trong trường hợp doanh nghiệp làm thực chất, mong muốn mở rộng cơ hội cho cổ đông nhỏ lẻ giới thiệu được các ứng viên tốt”.
“Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu để có quyền đề cử chỉ có ý nghĩa để đưa được ứng viên vào danh sách bầu, còn yếu tố quyết định nằm ở tỷ lệ biểu quyết. Nó cũng chỉ có ý nghĩa khi bầu theo phương thức dồn phiếu và bầu nhiều ứng viên một lần”, ông Đức phân tích và lấy ví dụ, nếu đưa ra 9 ứng viên để bầu 1 lần cả 9 thành viên Hội đồng quản trị, thì trong điều kiện thông thường, ứng viên cũng cần khoảng 10% tổng số phiếu bầu thì mới trúng cử.
Vì vậy, có thể nói cổ đông sở hữu tỷ lệ 0,1% có quyền đề cử thì gần như không có ý nghĩa gì trên thực tế, mà còn có nguy cơ gây ra nhiều rắc rối không cần thiết. Ví dụ, chỉ bầu 9 thành viên, nhưng Đại hội đồng cổ đông buộc phải chấp nhận danh sách hàng trăm ứng viên.
Việc “mở cửa” cho cổ đông nhỏ tham gia Hội đồng quản trị của VGR “thực chất” đến đâu, cổ đông, nhà đầu tư chờ tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4/2021 sẽ rõ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận