Chuyên gia: 'Giá vàng khó bứt phá trong thời gian tới'
Các nhà phân tích Phố Wall cho rằng nhà đầu tư vàng đang trong tâm lý nghe ngóng, chọn thời điểm thích hợp để mua vào, do đó, giá vàng khó có thể bứt phá trong thời gian tới.
Hôm nay (28/11), vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,6-67,4 triệu đồng/lượng.
So với 1 tuần trước, giá vàng trong nước hôm nay nhích nhẹ 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm nhẹ 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Còn so với mức đỉnh cao nhất 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày 8/3, giá vàng hôm nay đã giảm 7 triệu đồng mỗi lượng.
Đáng chú ý, sau gần 2 tháng giữ biên độ chênh lệch mua-bán ở mức 1 triệu đồng/lượng, mở cửa đầu tuần này, giá vàng đã giảm biên độ chênh lệch còn 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ngày 28/11 đang ở 1.751,2 USD/ounce, tăng thêm gần 5 USD/ounce so với 1 tuần trước.
Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại hôm nay cũng được điều chỉnh, mua bán quanh mức 53,05-54,05 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng so với đầu tuần trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng trang sức đầu tuần này tiếp tục duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn hiện đang tăng-giảm theo sát giá vàng thế giới. Trong khi đó, giá vàng SJC không biến động theo chiều giá vàng thế giới, mà phụ thuộc vào thị trường trong nước là chủ yếu. Do nhu cầu mua của thị trường trong nước đang yếu nên các đơn vị kinh doanh đang giảm mức chênh lệch giá mua-bán để tăng sức mãi lực.
Nhìn chung giá vàng miếng SJC biến động khá ít, dù giá vàng quốc tế tăng mạnh cả tháng qua. Nhờ vậy, khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã thu hẹp lại sau nhiều tháng ở mức chênh cao kỷ lục là 18 đến gần 20 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá thấp hơn giá vàng SJC khoảng 15 triệu đồng/lượng và thấp hơn giá vàng trang sức gần 2 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, lúc 8h30, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.746 USD/ounce, sau đó nhích nhẹ lên 1.751 USD/ounce. Giới phân tích cho rằng giá vàng chỉ thật sự ‘bùng nổ’ sau khi vượt qua được vùng 1.800 USD/ounce, hoặc khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố chính sách điều hành lãi suất cụ thể thời gian tới.
Liên quan đến chính sách tiền tệ của Fed, một số nhà phân tích cho biết họ đang quan sát diễn biến đồng USD tác động như thế nào đến giá vàng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ ở mức 1.755,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2022 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 1.756,3 USD/ounce.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà phân tích Phố Wall cho rằng nhà đầu tư vàng đang trong tâm lý nghe ngóng, chọn thời điểm thích hợp để mua vào, do đó, giá vàng khó có thể bứt phá trong thời gian tới.
Kết quả của 16 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát giá vàng của Kitco News cho thấy trong số những người tham gia, 7 nhà phân tích, tương đương 44% nhận định giá vàng sẽ đi ngang. Đồng thời, 6 nhà phân tích, tương đương 38% cho rằng giá sẽ tăng trong tuần tới và 3 nhà phân tích, tương đương 19% cho rằng giá sẽ giảm.
Trong khi đó, kết quả của 1.054 nhà đầu tư trong cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Chính (Main street) cho thấy trong số này, 667 người, tương đương 63% nhận định giá vàng tăng. 253 người, tương đương 24% cho rằng giá vàng giảm, trong khi 134 người, tương đương 13% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Giá vàng thế giới thành công nhất trong tuần qua là đảo ngược được đà giảm của vàng. Cùng với chính sách tiền tệ của Fed, một số nhà phân tích đang xem dòng chảy của USD sẽ tác động như thế nào đến giá vàng. Thị trường thế giới và châu Á đang bước vào tháng cuối cùng của năm, giới kinh doanh kỳ vọng tiêu thụ vàng tăng mạnh nhờ dịp lễ, Tết và nhu cầu sắm vàng cuối năm.
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu (không bao gồm thị trường OTC) trong quý III năm 2022 đạt 1,181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu mua bán và tiêu dùng đồ trang sức tiếp tục phục hồi, và hiện đã quay trở lại trạng thái trước đại dịch, đạt 523 tấn - cao hơn 10% so với quý III năm 2021.
Phần lớn của sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi người tiêu dùng tại các khu vực độ thị ở Ấn Độ, với số lượng tiêu thụ đạt mức 146 tấn, tăng 17% so với năm ngoái.
Mức tăng trưởng ấn tượng tương tự cũng có thấy được ở phần lớn khu vực Trung Đông, với Ả Rập Xê Út tăng 20% kể từ quý 3 năm 2021 và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 30% trong cùng kỳ.
Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức đạt mức tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, do niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện, và giải phóng các nhu cầu bị dồn nén, cũng như sự sụt giảm của giá vàng trong nước vào tháng 7.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận