Chuyên gia dự báo thời điểm đảo chiều của khối ngoại
Yếu tố tâm lý có thể tác động tiêu cực trong ngắn hạn nhưng về dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ được dẫn dắt bởi lợi nhuận doanh nghiệp, định giá và dòng vốn mới.
Đây là nhận định của ông Hoàng Huy - Giám đốc phòng Nghiên cứu Khách hàng Tổ chức, Khối Phân tích của Chứng khoán Maybank (Maybank Investment Bank, MSVN).
KHỐI NGOẠI SẼ ĐẢO CHIỀU KHI NỀN KINH TẾ TĂNG TỐC
Thị trường chứng khoán thời gian qua thường xảy ra những đợt biến động mạnh. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư không?
Biến động thị trường chắc chắn ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt ở Việt Nam khi 90% giao dịch là từ nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, tâm lý là yếu tố ngắn hạn. Về dài hạn, diễn biến thị trường sẽ được dẫn dắt bởi lợi nhuận doanh nghiệp, định giá và dòng vốn mới.
Khối ngoại đã rút ròng mạnh khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Ông nhận định đâu là thời điểm họ có thể đảo chiều?
Tăng trưởng khác biệt giữa Mỹ và các nước khác, xu hướng tăng trưởng ấn tượng của các cổ phiếu công nghệ nằm trong những nguyên nhân chính khiến dòng vốn đang rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên nói chung. Việt Nam không là ngoại lệ.
Chúng tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ đảo chiều khi kinh tế của các nước khác hồi phục và bắt kịp với Mỹ. Với Việt Nam, điều này có thể nhìn thấy vào giai đoạn nửa cuối năm 2024, khi nền kinh tế tăng tốc.
Theo ông, lĩnh vực đầu tư nào tại Việt Nam đang hấp dẫn dòng vốn ngoại nhất?
Điều này tùy thuộc vào chu kỳ tăng trưởng của từng lĩnh vực và các yếu tố bên ngoài khác như dịch bệnh, lãi suất, địa chính trị… Ví dụ FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh trong 2007-2008, 2017-2018 và đang hồi phục tốt trong các tháng đầu năm 2024. Thị trường cổ phiếu chứng kiến giai đoạn mua ròng mạnh của khối ngoại trong nhiều năm trước khi Covid-19 ập tới. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng mới phát triển gần đây nhưng cũng nhận được sự quan tâm lớn.
Tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường bất động sản và trái phiếu của Việt Nam. Chúng tôi cũng quan sát thấy nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản diễn ra hơn trong thời gian gần đây.
Với thị trường cổ phiếu, mặc dù khối ngoại vẫn đang bán ròng mạnh do dòng vốn chung thế giới là đang rút khỏi thị trường mới nổi để đổ vào các thị trường phát triển và các thị trường có tỷ trọng cổ phiếu công nghệ lớn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam rất hấp dẫn về mặt dài hạn nhờ tăng trưởng lợi nhuận cao (15%-20% mỗi năm, định giá thấp (PE ~ 15x, thấp nhất trong khu vực), khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE trong tương lai gần.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài từ giữa tháng 3/2024 đến nay.
CHUẨN BỊ SẴN SÀNG ĐÓN DÒNG VỐN CHẤT LƯỢNG
Ông có nhận định như thế nào về sự thay đổi môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua?
Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút FDI. Đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ ngoại giao qua việc ký kết nhiều thỏa thuận thương mại quốc tế và tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế. Điều này mở ra cơ hội thị trường lớn hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mở rộng quy mô kinh doanh.
Nhìn vào chỉ số thuận lợi kinh doanh được xếp hạng bởi Ngân hàng Thế giới, có thể thấy Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua, đây là một minh chứng cho sự cam kết không ngừng của Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Việc này giúp tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn và giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng hơn khi hoạt động tại đây.
Với sự tiến bộ đáng chú ý trong thứ hạng của mình, Việt Nam đã trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tận dụng các cơ hội phát triển trong các lĩnh vực đa dạng. Các biện pháp tích cực của Chính phủ nhằm tăng cường phát triển hạ tầng, thúc đẩy tự do thương mại và thực thi các chính sách thân thiện với nhà đầu tư đã tạo ra niềm tin mạnh mẽ trong cả doanh nghiệp nội địa và quốc tế.
Những động thái chính sách gần đây như thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài để hướng tới mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030; đầu tư đáng kể vào phát triển hạ tầng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng vận tải, viễn thông và năng lượng… cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam để đón làn sóng đầu tư chất lượng này.
Chính phủ cũng đã thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả việc cắt giảm thuế và phí, cung cấp tài trợ và hỗ trợ đào tạo nhân lực. Điều này giúp tạo ra một môi trường kinh doanh thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển.
Ông có đề xuất gì để thu hút hơn nữa sự quan tâm của dòng vốn ngoại?
Với thị trường chứng khoán, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vẫn là rào cản chính. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng chưa đa dạng. Ví dụ như ngành công nghệ đang là xu hướng hiện nay nhưng chỉ chiếm khoảng 5% vốn hóa của cả thị trường chứng khoán. Cổ phiếu FPT, chiếm phần lớn đóng góp của ngành công nghệ lại thường ở tình trạng không còn room ngoại.
Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy nhanh nghiên cứu và ban hành các chính sách để giải quyết điểm nghẽn “room ngoại” cũng như đẩy nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới. Điều này chắc chắn sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế tìm vào Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận