Chuyên gia bất động sản Thành phố Hồ Chí minh dự đoán: Năm 2022 thị trường bình ổn và khởi sắc
Năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam trải qua một năm nhiều thách thức và biến động: “Sốt đất” trên diện rộng; nở rộ trái phiếu doanh nghiệp; sôi động thị trường M&A và là năm khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp, nhà thầu… Tuy nhiên, thị trường được dự đoán sẽ sớm bình ổn và khởi sắc trong năm 2022.
Năm 2021 thị trường bất động sản vẫn sôi động bất chấp dịch bệnh
Có thể nhận thấy thị trường bất động sản (BĐS) của năm 2021 khá đặc biệt: cực kỳ sôi động vào nửa đầu năm, trầm lắng trong giai đoạn làn sóng Covid thứ 4 bùng phát và có tín hiệu phục hồi nhanh sau thời gian giãn cách.
Ngay từ đầu năm 2021, thị trường BĐS đón nhận hàng loạt cơn “sốt đất” diện rộng trên toàn quốc, từ các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… Có nơi giá đất tăng gấp đôi chỉ sau vài tháng và chỉ tạm lắng xuống khi các Bộ, ngành, địa phương vào cuộc.
Cùng với “sốt đất” trên phạm vi cả nước, 2021 cũng là năm chứng kiến số lượng các nhà đầu tư BĐS tham gia thị trường tăng cao chưa từng có, tỷ lệ thuận với số lượng các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán.
Năm 2021 cũng là thời điểm nở rộ trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê của công ty chứng khoán SSI, chỉ trong 11 tháng đầu năm khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%. Doanh nghiệp BĐS chiếm tới 27,7% tổng khối lượng phát hành.
Đây cũng là năm sôi động của thị trường M&A tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực BĐS với hàng loạt thương vụ giá trị từ Vingroup, NovaGroup, Dat Xanh Group... Năm 2021, thị trường BĐS Việt Nam cũng đã chứng kiến khoảng 70 - 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch. Và đây cũng là năm thị phần được phân chia lại rất nhanh, đến cuối năm 2021, gần như thị phần của các công ty nhỏ lẻ bị đuối sức đã dịch chuyển về các công ty lớn đã có nguồn vốn tích lũy qua nhiều năm trước đây.
Dịch Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy các doanh nghiệp BĐS phải linh hoạt và nhanh nhạy hơn nhằm thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Các phương thức tiếp cận khách hàng và bán hàng BĐS đã được thay đổi mạnh mẽ để thu hút người mua. Ví dụ như việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động bán hàng và tiếp thị. Người mua BĐS đang dần quen với “bình thường mới” và nhu cầu mua bán bất động sản bị dồn nén trong một thời gian dài do giãn cách được dự báo sẽ là động lực thúc đẩy thị trường phục hồi và phát triển mạnh trong thời gian tới.
BĐS tăng giá do lạm phát và nguồn cung hạn chế trong năm 2022
Dự báo thị trường BĐS năm 2022, ông Phạm Anh Khôi và các diễn giả Steven Derek Brown – Giám đốc Khách hàng Tổ chức, Thị trường châu Âu của Mirae Asset Securities Vietnam; Ông Stephen Higgins – Giám đốc Điều hành, Trưởng bộ phận Thị trường vốn Cushman & Wakefield; Bà Phạm Minh Anh – Giám đốc Dịch vụ cho vay Tài chính Cá nhân Ngân Hàng United Overseas Bank đều cho rằng, áp lực tăng giá BĐS năm 2022 sẽ rất lớn bởi các yếu tố lạm phát, nguồn cung hạn chế, chi phí vật liệu xây dựng tăng…
Đặc biệt, năm 2022, thị trường có thể sẽ chứng kiến sự dịch chuyển dòng tiền từ chứng khoán và các kênh đầu tư rủi ro cao qua BĐS, đặc biệt phân khúc đất nền. Tại sự kiện, các diễn giả đều cho rằng kết quả khảo sát phản ánh đúng tình hình và kỳ vọng của thị trường.
Nguồn cung tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ phục hồi chậm và đạt mức tương tự như năm 2018 – 2019 với khoảng 22.000 – 30.000 căn vào năm 2022 – 2023. Tại Hà Nội, nguồn cung mới dự kiến tăng lên 28.000 – 34.000 căn hộ vào giai đoạn 2022 – 2023.
Về giá căn hộ sơ cấp, giá bán trung bình tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2023 sẽ tăng từ 12 – 18%. Thị trường Hà Nội dự kiến sẽ tăng 5 – 10% mỗi năm.
Dự báo khi các vấn đề liên quan pháp lý dự án được tháo gỡ và dịch Covid được kiểm soát tốt, nguồn cung BĐS mới sẽ được cải thiện nhiều. Nguồn cung tăng nhưng giá BĐS được kỳ vọng vẫn tiếp tục tăng do lượng cầu vẫn rất lớn từ khách hàng trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc hoàn thiện và nâng cấp thêm nhiều tiện ích, hệ sinh thái đi theo các dự án mới, cùng với các chi phí đầu vào ngày càng tăng cao cũng là lý do làm cho giá bán BĐS khó giảm nhiệt so với thời điểm hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận