Chuyển đổi số ngành bán lẻ: Bài toán tiết giảm chi phí để cạnh tranh thị phần
Thị trường bán lẻ gặp không ít khó khăn và thách thức từ xu hướng tiêu dùng thay đổi sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, không ít nhà bán lẻ nước ngoài đang tiếp tục “đổ” tiền vào Việt Nam đầu tư, càng làm cho sức cạnh tranh của thị trường thêm
Sự “đổ bộ” của nhà đầu tư ngoại
Cuối tháng 2 vừa qua, Uniqlo - thương hiệu bán lẻ thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản đã công bố sẽ mở rộng hoạt động tại Bình Dương với kế hoạch khai trương cửa hàng đầu tiên tại thành phố này trong năm 2023. Đây là cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại Bình Dương và là cửa hàng thứ 16 của Uniqlo tại Việt Nam.
Cũng trong tháng 2, nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Retail Corporation (CRC) đã công bố khoản đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với tổng trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023 - 2027 để tăng tốc sự hiện diện tại thị trường này.
Theo Giám đốc điều hành CRC Yol Phokasub, tập đoàn xem Việt Nam là thị trường tiềm năng cao với kinh tế tăng trưởng liên tục. Thị trường bán lẻ Việt Nam ước tính trị giá 49,7 tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng với tốc độ 10 - 12%/năm.
Trong khi đó, mới đây, Igloo - công ty công nghệ bảo hiểm toàn diện đầu tiên tại Singapore đã công bố hợp tác chiến lược với chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/7 - Circle K tại Việt Nam, nhằm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thông qua mạng lưới hơn 400 cửa hàng tiện lợi của Circle K trên cả nước.
Ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên ở châu Á, các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ được cung cấp thông qua chuỗi cửa hàng tiện lợi. Theo đó, người tiêu dùng có thể mua Bảo hiểm xe máy toàn diện GIC Easy với 4 quyền lợi trong 1 của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) với mức giá khởi điểm chỉ từ 30.000 đồng/gói bảo hiểm 1 tháng và 282.000 đồng/gói bảo hiểm 12 tháng.
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%) nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%).
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, các nhà bán lẻ trên thế giới khi nhìn vào Việt Nam đều chung nhận định đây là thị trường "béo bở", khi thị trường này có dân số 100 triệu dân với sức mua rất tốt. Do đó, rất nhiều nhà bán lẻ trên thế giới luôn muốn đầu tư vào Việt Nam.
Có thể thấy, cuộc “đổ bộ” của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam đã giúp cho thị trường bán lẻ Việt Nam thêm sôi động, phong phú các mặt hàng của nhiều nước mà trước đây chỉ có thể ra nước ngoài mới mua được. Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các món hàng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… ngay tại trong nước một cách dễ dàng với giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này cũng đồng nghĩa thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Nếu doanh nghiệp Việt không thích ứng và chuyển đổi theo xu hướng chung của thị trường thì sẽ khó chuyển mình trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo của OVUM - công ty tư vấn và phân tích độc lập hàng đầu, không có ngành công nghiệp nào trải qua nhiều thay đổi do hệ quả của chuyển đổi số diễn ra như thị trường bán lẻ. Càng ngày, những chuyển dịch trong thị trường này càng quyết liệt hơn và trở thành yếu tố quyết định để một cửa hàng hoặc một doanh nghiệp có tồn tại được hay không.
Trên thực tế, ngành bán lẻ phụ thuộc lớn vào thói quen và sức mua của người tiêu dùng đại chúng, vì vậy chịu những biến đổi liên tục do thói quen người tiêu dùng thay đổi. Theo đó, khách hàng hiện đại ngày càng có nhiều sự lựa chọn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, người tiêu dùng hiện không chỉ là mua một món đồ mà mua cả một trải nghiệm. Câu hỏi sẽ không còn là “ai bán sản phẩm tốt hơn mà là ai đem lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn, ai sử dụng chi phí vận hành hiệu quả hơn”. Chính vì vậy, việc tiết giảm chi phí là lời giải cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay để có thể cạnh tranh thị phần.
Chuyển đổi số để chuyển mình
Vài năm trở lại đây, thế giới đã có rất nhiều nhà bán lẻ do không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa. Theo dữ liệu từ Coresight Researc, năm 2019, chỉ tính riêng các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 9.300 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm trước nữa. Trong khi đó, các kênh bán hàng online với trải nghiệm mua sắm xuyên suốt lại phát triển bùng nổ và trở thành những ông lớn trong ngành bán lẻ, điển hình như các tập đoàn Amazon, Alibaba…
Chưa hết, đại dịch COVID-19 diễn ra, các nước đóng cửa biên giới khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy trên diện rộng. Dịch bệnh vừa kết thúc thì chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, tiếp tục khiến cho hàng hoá trở nên khan hiếm hơn, chi phí vận chuyển cũng tăng vọt.
Trong bối cảnh đó, cuộc đổi ngôi từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử lại càng phát triển mạnh mẽ và có mức tăng trưởng khả quan. Điều này cho thấy, chuyển đổi số không chỉ trực tiếp giúp doanh nghiệp nắm bắt các trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số để từ đó đem lại các trải nghiệm tốt hơn, công nghệ còn đang giúp các doanh nghiệp bán lẻ tối ưu hóa vận hành, dễ dàng quản lý hệ thống, phát triển đội ngũ nhân sự, đem lại năng suất lao động cao hơn, từ đó giúp các nhà bán lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh áp dụng trong quản lý bán hàng, công nghệ còn tạo ra sự liên kết dễ dàng giữa các dịch vụ doanh nghiệp với nhau, tạo thành các nền tảng win-win cho phát triển bền vững. Cùng với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển phát logistics, tất cả đem lại một trải nghiệm xuyên suốt, mượt mà dành cho người mua hàng.
Thừa nhận vấn đề này, đại diện Saigon Co.op cho biết, đơn vị phải liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu… Đặc biệt, trong chiến lược hoạt động năm 2023, nhà bán lẻ này đã đề ra định hướng tiếp tục tập trung nguồn lực để chấn chỉnh, củng cố các hoạt động của hệ thống, nâng cao hiệu quả kinh doanh, trong đó lợi nhuận vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo tích lũy và nền tảng phát triển bền vững cho các năm tiếp theo.
Trong khi đó, hệ thống nhà thuốc bán lẻ Pharmacity đã đầu tư hẳn 100 tỷ đồng vào nền tảng của RELEX Solutions để giúp hệ thống bán lẻ Pharmacity điều chỉnh và tối ưu hóa nhu cầu, hàng hóa, chuỗi cung ứng và lập kế hoạch hoạt động trên toàn chuỗi giá trị đầu cuối.
Ông Onni Rautio, Giám đốc Kinh doanh của RELEX Solutions khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, với sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng hiện nay, không chỉ trong nước mà cả thế giới, người tiêu dùng thích mua hàng từ hàng đắt sang hàng rẻ, chuyển từ hàng có thương hiệu toàn cầu sang thương hiệu, nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ để giá hàng rẻ hơn. Đây là bài toán cho các nhà bán lẻ xác định nhu cầu của người tiêu dùng, như giá rẻ cho mặt hàng nào, nhãn hàng nào… Người bán lẻ cần có kế hoạch và dự đoán trước nhu cầu của người tiêu dùng.
“Điều này đã đặt cho các nhà bán lẻ bài toán so sánh để thay đổi sao cho phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, hấp dẫn người tiêu dùng nhưng vẫn giúp người bán lẻ có lời. Như vậy, chuyển đổi số chính là bài toán, công cụ quản lý giúp các nhà bán lẻ có thể bán bao nhiêu để đủ, là rẻ cho khách hàng nhưng vẫn đem lại có lợi cho nhà bán hàng”, ông Onni Rautio nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hình hài bán lẻ trong tương lai vẫn chưa thực sự rõ ràng vì còn biến động. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ muốn thành công phải chờ đợi, đón đầu nhờ các phần mềm, công cụ, chiến lược để quản lý chuỗi bán lẻ để thích nghi với sự thay đổi của thị trường mới có thể thành công cao hơn. Do đó, cần có quy trình và nền tảng, sự rõ ràng về nguồn dữ liệu cho các bên liên quan tham gia vào có thể sử dụng, vận dụng (từ người mua, người bán, người cung ứng và sản xuất) khai thác dữ liệu cho chuỗi kinh doanh, cung ứng, từ đó đem lại hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường