Chứng khoán, vàng - ẩn số đầu tư cuối năm
Trong khi lãi suất tiết kiệm giảm về mức thấp, bất động sản chưa “rã băng” thì vàng và chứng khoán đang là 2 kênh đầu tư được người dân quan tâm nhất thời điểm này. Tuy nhiên, những kênh này cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động khó lường cuối năm.
Dòng tiền thiếu điểm đến
Có lẽ hiếm khi nào dòng tiền đầu tư trầm lắng như giai đoạn này. Thị trường bất động sản tuy có tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa “rã băng”, không thu hút được dòng tiền. Nguồn cung bất động sản mới và bất động sản tầm trung gần như không có, các phân khúc đất nền, bất động sản cao cấp thanh khoản èo uột. Tương tự, thị trường chứng khoán thời gian qua lên xuống thất thường, đa phần nhà đầu tư cá nhân chịu thua lỗ nên không còn hào hứng như trước đây. Trong bối cảnh đó, nhiều người và thậm chí các doanh nghiệp có tiền buộc phải chọn cách gửi tiền trong ngân hàng dù lãi suất xuống rất thấp. Theo khảo sát, đến thời điểm này, lãi suất tiết kiệm ghi nhận mặt bằng thấp kỷ lục, thấp hơn cả trong giai đoạn trước dịch Covid-19.
Tại Vietcombank, một trong những ngân hàng có thị phần huy động vốn lớn nhất hệ thống, mức lãi suất đã xuống dưới 5%. Sau đợt giảm vào ngày 29-11 vừa qua, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng chỉ còn 2,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng 2,7%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng chỉ còn 3,7%/năm. Như vậy, đối với tiền gửi dưới 1 năm, nếu trừ đi lạm phát thì khách hàng gửi tiền gần như không được hưởng lãi suất thực dương, thậm chí với các kỳ hạn dưới 6 tháng thì gửi tiết kiệm còn... lỗ. Ngay cả với tiền gửi từ 12 tháng trở lên, Vietcombank cũng chỉ duy trì mức lãi suất cao nhất là 4,8%/năm. Đối với các ngân hàng khác, mức lãi suất có nhỉnh hơn một chút, nhưng so với trước đây thì vẫn thấp hơn nhiều. Tại các ngân hàng có vốn Nhà nước, mức lãi suất cao nhất chỉ 5,3%/năm; các ngân hàng tư nhân thì gần như không quá 6%/năm.
Dù lãi suất xuống thấp nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn không ngừng gia tăng. Dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 9-2023, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã đạt xấp xỉ 12,68 triệu tỷ đồng. Con số này đã tăng thêm gần 233.000 tỷ đồng so với cuối tháng 8. Trong đó, tiền gửi dân cư tiếp tục phá kỷ lục, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 6,449 triệu tỷ đồng. Tính từ đầu năm, tiền gửi dân cư đã tăng mạnh tới 9,95%, tương ứng tăng 583.000 tỷ đồng. Đối với khu vực doanh nghiệp, lượng tiền được gửi trong hệ thống ngân hàng tăng đột biến, thêm tới 217.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 9, vọt lên hơn 6,23 triệu tỷ đồng.
Dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất ngân hàng xuống rất thấp, cho thấy người dân, doanh nghiệp đang thực sự bối rối trước các quyết định đầu tư. Họ sẵn sàng để tiền trong hệ thống ngân hàng để chờ cơ hội, cho dù phải hưởng lãi suất thực âm.
Ngoài chứng khoán thì vàng có thể kể đến như một kênh nổi lên bất ngờ vào dịp cuối năm này
Chứng khoán vẫn là ẩn số
Dù trồi sụt thất thường nhưng so với các kênh đầu tư khác, chứng khoán vẫn là một trong những lựa chọn khả dĩ nhất lúc này đối với các nhà đầu tư cá nhân. Nếu như trong giai đoạn đầu năm, nhóm nhà đầu tư cá nhân chủ yếu bán ròng thì bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây, nhóm này liên tục mua ròng. Sự trở lại của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp VN-Index có những phiên giao dịch tích cực. Tất nhiên bên cạnh đó, do đặc tính cố hữu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông thì đồng thời thị trường cũng chứng kiến những phiên lao dốc mạnh khiến tài khoản nhà đầu tư thiệt hại nặng nề.
Dù thanh khoản thị trường chứng khoán quý III/2023 đã ghi nhận sự cải thiện rõ rệt với mức giao dịch trung bình cả 3 sàn đạt 24.509 tỷ đồng/phiên, tăng 117% so với quý I/2023, song những phiên gần đây cho thấy dòng tiền lại quay lại trạng thái dè dặt. Nỗ lực kéo điểm chưa đủ kéo thị trường vượt cản, VN-Index vẫn chật vật quanh ngưỡng 1.100 điểm trong suốt hơn một tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư mệt mỏi. Kể từ đỉnh ngắn hạn hồi giữa tháng 9 tới nay, chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái đi ngang với những phiên hồi phục với biên độ nhỏ, sau đó nhịp điều chỉnh sâu hơn xuất hiện xoá sạch đà tăng của chỉ số. Điều này đã tạo sự khó chịu cho các nhà đầu tư khi giao dịch lướt sóng, vì cổ phiếu có khi chưa về tài khoản đã chịu thua lỗ. Dù vậy, theo các chuyên gia, tình trạng này cũng ít khiến nhà đầu tư “đau tim” hơn giai đoạn cuối năm ngoái, đầu năm nay, vì tài khoản nhà đầu tư về cơ bản không rơi vào trạng thái âm quá sâu.
Dù nhiều nhận định cho rằng xu hướng đi ngang của thị trường có thể chuẩn bị bước vào giai đoạn kết thúc, tuy nhiên, thời điểm phục hồi của thị trường chứng khoán vẫn còn là một ẩn số. Các chuyên gia cho rằng VN-Index cần xác nhận vượt những ngưỡng cản quan trọng với lượng tiền mua đuổi lớn thì nhà đầu tư mới có thể giải ngân quyết liệt vào chứng khoán.
Trung tâm Phân tích nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và châu Âu vẫn đang thắt chặt chính sách tiền tệ đồng thời phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong 1 thời gian dài, châu Âu được dự báo sắp bước vào một cuộc suy thoái kỹ thuật, thì xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa thể kỳ vọng vào một đợt hồi phục mạnh mẽ trong năm sau. Trong nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang có diễn biến vô cùng ảm đạm. Trên cơ sở đó, BSC dự báo trong năm 2023, VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.100 - 1.200 điểm. Còn năm 2024, BSC đưa ra 2 kịch bản. Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt trên 1.360 điểm; ngược lại với kịch bản tiêu cực, chỉ số này có thể về dưới 1.200 điểm.
Về chiến lược đầu tư, với bối cảnh hiện tại, đa phần các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể tranh thủ tận dụng cơ hội gom cổ phiếu tại những nhịp giảm. Ngược lại, những nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi thị trường xác nhận tín hiệu rõ ràng hơn để giải ngân.
Vàng vẫn nóng và rủi ro
Ngoài chứng khoán thì vàng có thể kể đến như một kênh nổi lên bất ngờ vào dịp cuối năm này. Ngày 29-11, giá vàng trong nước bất ngờ lập đỉnh và phá vỡ kỷ lục, có thời điểm chạm mức 74,5 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC. Giá vàng nhẫn tròn trơn cũng thiết lập mốc cao mới mọi thời đại, tại gần 63 triệu đồng/lượng. Vàng trong nước nổi sóng trong 2 tuần trở lại đây với những phiên đạt biên độ tăng lên đến 1 triệu đồng/lượng. Kim loại quý tăng một phần do thị trường thế giới tăng, song phần quan trọng là do cầu trong nước lớn. Trên thực tế, trong 2 tuần qua, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 100 USD/ounce, song giá vàng SJC trong nước đã tăng tới khoảng 3,2 triệu đồng/lượng.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc vàng đang giao dịch ở vùng giá kỷ lục khiến kênh đầu tư này trở nên càng khó đoán định và rủi ro. Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, nếu nhìn về mặt kỹ thuật, giá vàng ở vùng đỉnh như hiện nay sẽ rất ít người dám mua vào vì sợ rủi ro đảo chiều bất cứ khi nào. Đổi lại, những người có vàng thì thường nắm giữ chứ ít bán ra hoặc mua thêm. Một số quan điểm cho rằng dòng tiền chuyển từ chứng khoán, bất động sản hoặc cả tiền gửi tiết kiệm chảy sang mua vàng nhưng số này không nhiều vì giá đang quá cao. Đặc biệt là giá vàng SJC đang cao hơn thế giới trên 12 triệu đồng/lượng duy trì suốt mấy tháng qua trong bối cảnh giá vàng trong nước và thế giới không liên thông.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hiện rất khó dự báo giá vàng lên hay xuống thời gian tới khi thị trường này biến động khôn lường, chịu tác động bởi nhiều vấn đề, sự kiện. Việc FED mở ra khả năng không tăng lãi suất bởi chỉ số lạm phát đang dần hạ nhiệt đã làm giảm sự hấp dẫn của đồng USD, khiến giá vàng tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế của các nước châu Âu không khả quan, xung đột về quân sự, chính trị vẫn còn tiếp diễn trên thế giới khiến nhà đầu tư tìm đến vàng là tài sản trú ẩn an toàn. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, giá vàng trong nước nhiều khả năng sẽ tăng tiếp khi nhu cầu về vàng, nhất là vàng trang sức tăng ở thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán. Cùng với đó, tỷ giá có thể tăng từ nay đến cuối năm, các hoạt động kinh tế còn chậm, đồng Việt Nam có thể tiếp tục mất giá thời gian tới sẽ đẩy giá vàng lên.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, ở thời điểm sốt giá, người mua vàng đối diện rủi ro. Vì vậy, khuyến nghị nhà đầu tư khi nắm giữ vàng cần lưu ý một số điểm như: Thời gian nắm giữ vàng ít nhất 6 tháng; tuyệt đối không đi vay tiền để mua vàng. Nhà đầu tư chỉ nên sử dụng 1/3 số tiền đang có mua vàng, còn lại chia vào các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận