Chứng khoán tháng 6: Nên phòng thủ hay tấn công?
Theo nhận định của các chuyên gia, không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường, ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực trong tháng 6. Nhà đầu tư (NĐT) nên tập trung vào những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, đầu ra ổn định hoặc có thế mạnh trong thị trường họ tham gia.
Nói về thị trường chứng khoán tháng 6, bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích CTCK Rồng Việt (VDS) nhận thấy không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường, ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Xét về định giá, nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt đã giảm về vùng giá hợp lý cho chiều nắm giữ. Song xét về yếu tố dòng tiền, vì thiếu thông tin hỗ trợ, khả năng thanh khoản sẽ chỉ cải thiện nhẹ so với mức bình quân của tháng 5.
Tựu trung, bà Lam kỳ vọng VN-Index tháng 6 sẽ tăng nhẹ trong nghi ngờ.
Theo ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Chiến lược và Quản lý Danh mục của CTCK Pinetree, với thanh khoản thấp cũng như diễn biến phức tạp của tình hình vĩ mô thế giới, dù kinh tế trong nước ổn định hơn thì thị trường cũng đã bước qua giai đoạn tăng giá. Nếu thị trường tăng giá trở lại ngay trong tháng 6, sự hồi phục theo hình mẫu chữ V không hẳn là ổn định.
Ông Thành kỳ vọng thị trường hồi phục trong giai đoạn nửa sau 2022 theo hình mẫu chữ U, nếu kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, lạm phát được kiểm soát và hoạt động đầu tư công tích cực hơn hiện tại.
Yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường?
Đến giờ, bà Lam cho rằng phần lớn thông tin tiêu cực đã ra và đã chiết khấu rất lớn vào giá cổ phiếu. Đôi khi, ở những giai đoạn trống thông tin hỗ trợ, đặc biệt sau giai đoạn thị trường điều chỉnh rất mạnh, thì việc phần lớn tin tiêu cực đã được hấp thụ cũng là tin tốt.
Việc các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) thu hút được thêm tiền vào thị trường, tăng cầu và kích thích giá cổ phiếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn - qua đó giúp chỉ số thị trường cân bằng và có xu hướng cải thiện dần, cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ tâm lý cho đông đảo NĐT cá nhân.
Xa hơn, theo kế hoạch của cơ quan chủ quản, hệ thống KRX sẽ sớm được đưa vào vận hành, cũng như cập nhật về tình hình đăng ký, giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là những thông tin tích cực bổ trợ. Các thông tin mới về hệ thống sẽ có ảnh hưởng nhất định lên tâm lý của NĐT cá nhân vốn chiếm phần lớn khối lượng giao dịch thị trường.
Về phần mình, ông Thành nhận định tháng 6 là thời điểm hầu hết các ĐHCĐ đã tổ chức xong, là cơ hội cho các NĐT định hình, tái cấu trúc danh mục trong thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, tháng 6 năm nay khác với mọi năm khi điểm nóng về kinh tế lại từ bên ngoài Việt Nam. Trong phát biểu gần nhất, Fed nhận định kiểm soát lạm phát sẽ là nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến hết năm 2022, nhiều khả năng phải triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn và gắt gao hơn.
Lúc này mọi thông tin có khả năng tác động đến lạm phát kể từ cuộc chiến tranh tại Ukraine nổ ra, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, cho tới cách phản ứng của các ngân hàng trung ương đều có tác động đến kỳ vọng lạm phát, qua đó tác động đến chứng khoán trong nước.
Với TTCK trong nước, có lẽ điểm sáng hiện tại nằm ở việc khối ngoại đã dừng xu thế bán ròng kéo dài từ suốt 2021 và quay lại mua ròng.
Thiên về chiến lược phòng thủ
Cân nhắc đến các yếu tố thông tin, dòng tiền, hay định giá, bà Lam nhận định thị trường đang ở thế cân bằng yếu. Do đó, bà gợi ý chiến lược đầu tư nên có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung - dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này. Thay vì full margin như thời gian trước, NĐT nên giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc với NĐT thận trọng thì có thể duy trì tỷ lệ cổ phiếu : tiền mặt ở mức 70:30), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.
Đồng thời, việc giải ngân cần có sự kiên nhẫn, chờ cổ phiếu ưa thích về vùng giá tốt để mua vào, thay vì theo tâm lý FOMO như trước đây.
Những nhóm ngành phục hồi theo cùng sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế vẫn là những ngành có thể xem xét như nhóm liên quan xuất nhập khẩu (thủy sản, dệt may, cảng biển...), hay theo dòng FDI (khu công nghiệp), hay theo sự phục hồi tiêu dùng trong nước (bán lẻ, thực phẩm và đồ uống).
Đối với ông Thành, việc kiên trì tìm kiếm doanh nghiệp tốt vẫn là chiến lược đầu tư được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện tại.
Ngày 27/05, PE toàn thị trường tăng nhẹ lên mức 13.44, đây có thể là thời điểm thấp so với lịch sử, nhưng là do nhà đầu tư đang phản ứng với các tin tức tiêu cực từ kinh tế vĩ mô trên thế giới cũng như lo ngại các rủi ro từ lạm phát nguyên vật liệu đầu vào: Giá xăng vượt mức lịch sử, giá thức ăn chăn nuôi liên tục phá đỉnh… Bởi thế, không nên căn cứ vào định giá thấp để ra quyết định đầu tư trong bối cảnh triển vọng kinh tế không thuận lợi.
Nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, đầu ra ổn định hoặc có thế mạnh trong thị trường họ tham gia. Trong đó, ông Thành đánh giá cao nhóm ngành về hạ tầng công nghiệp, điện… cả hai đều có điểm tựa phòng thủ lại trong môi trường có tính biến động cao hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận