24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kiến Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chứng khoán rung lắc, bên bán mất kiên nhẫn, cổ phiếu bất động sản phân hóa

Tuần qua, thị trường liên tục giằng co, rung lắc ngay từ phiên đầu tuần khiến chỉ số chung dao động và chốt tuần thứ hai liên tiếp giảm điểm. Cổ phiếu bất động sản phân hóa với 44 mã tăng, 55 mã giảm giá.

Bên bán mất kiên nhẫn

Nhận định thị trường: VN-Index tiếp tục ghi nhận tuần rung lắc điều chỉnh với sự sụt giảm về thanh khoản so với trung bình 10 phiên.

Tuy thị trường có ghi nhận sự phân hóa và lực cầu vẫn tìm đến những nhóm ngành riêng lẻ nhưng áp lực điều chỉnh giảm của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến VN-Index lùi sát về khu vực 1045.

Về diễn biến cụ thể, thị trường liên tục giằng co, rung lắc ngay từ phiên đầu tuần khiến chỉ số chung dao động với biên độ 10 điểm trong vùng 1045 - 1055. Mốc 1.050 đã giúp VN-Index có diễn biến cân bằng trong 3 phiên đầu tuần, tuy nhiên sau khi thủng mốc này diễn biến VN-Index đã trở nên tiêu cực hơn.

Trong 2 phiên ngày 18 - 19/4, áp lực bán liên tục xuất hiện xóa đi nỗ lực phục hồi của thị trường và khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm về sát khu vực 1045.

Vào những phiên cuối tuần, tâm lý thận trọng càng được thể hiện rõ ràng hơn với việc chỉ số giảm điểm khá mạnh với thanh khoản sụt giảm và tốc độ giao dịch chậm của thị trường quanh vùng điểm 1045.

Chỉ số sau đó đã tiếp tục giảm hơn 7 điểm và chốt tuần chỉ số về mức 1.042,91 để mất 9,98 điểm so với tuần trước (-0,95%).

Tương đồng với khối nội, khối ngoại cũng tỏ ra khá thận trọng trong phiên cuối tuần khi duy trì bán ròng với thanh khoản 231 tỷ, tập trung bán KBC, NLG, POW.

Giai đoạn này có thể thấy các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung vẫn đang được Chính phủ và các cơ quan quản lý theo dõi và thực hiện một cách sát sao.

Bước đầu đã ghi nhận sự cải thiện, thể hiện ở khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trong tháng 3 sau khi Nghị định 08 có hiệu lực. Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Chứng khoán rung lắc, bên bán mất kiên nhẫn, cổ phiếu bất động sản phân hóa
Góc nhìn kỹ thuật: VN-Index kết phiên cuối tuần tạo nến đỏ, rung lắc quanh vùng 1045. Xét về khung đồ thị giờ, tuy các chỉ báo vẫn đang bẻ ngang và đang hướng xuống nhưng với việc MACD đang ở vùng quá bán và vẫn còn xác xuất hình thành phân kỳ dương đảo chiều thì diễn biến thị trường vẫn chưa quá bi quan ở giai đoạn hiện tại.

Bên cạnh đó, thanh khoản mua chủ động vẫn tìm đến những nhóm ngành riêng lẻ cho thấy thị trường vẫn đang có sự phân hóa và dòng tiền vẫn đang tham gia thị trường một cách có chọn lọc.

Tuy nhiên nếu áp lực bán vẫn tiếp tục gia tăng thì VN-Index có khả năng sẽ điều chỉnh về vùng đáy cũ quanh 1020 - 1030, dù xác suất là không cao. Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì tài khoản ở mức an toàn xấp xỉ 20 - 30%, chủ động bán giảm những mà đã giảm dưới vùng hỗ trợ và chỉ giữ lại những cổ phiếu có diễn biến tích lũy, thu hút được lực cầu tốt.

Cổ phiếu bất động sản phân hóa

Kết thúc tuần, nhóm ngành bất động sản có 46 mã tăng giá, 19 mã đứng giá và 55 mã giảm giá.

Dẫn đầu Top cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất tuần qua là NDN của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX). NDN tuần qua tăng 20,5% từ 7.300 đồng/CP lên 8.800 đồng/CP. Thanh khoản 1.569.181 đơn vị, tăng 57,05% so với tuần trước.

Theo sau là PPI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (UpCOM) và NTB của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 (UpCOM), cùng có mức tăng 20,0% và cùng thị giá, từ 500 đồng/CP lên 600 đồng/CP. Thanh khoản lần lượt 149.783 đơn vị và 168.310 đơn vị.

IDJ của Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX) tuần qua tăng 9,1% từ 11.300 đồng/CP lên 12.000 đồng/CP. VGV của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam - CTCP (UpCOM) tăng 8,3% từ 16.800 đồng/CP lên 18.200 đồng/CP.

Đáng chú ý trong top cổ phiếu bất động sản tăng có NTL của Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (HoSE) và DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE). NTL tăng 6,4% từ 19.100 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP; DIG tăng 5,6% từ 16.200 đồng/CP lên 17.100 đồng/CP.

Báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã: NTL) cho thấy bức tranh tài chính lành mạnh. Đây là nền tảng để doanh nghiệp tiếp tục có bước phát triển bền vững trong năm 2023.

Cụ thể, năm 2022, Lideco đạt doanh thu 391 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 106 tỷ đồng. Công ty đã chi trả cổ tức 2022 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt. Trong khó khăn, công ty vẫn đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, duy trì mức chi trả cổ tức cho cổ đông 25% bằng tiền mặt.

Ngày 21/4, DIC Corp (mã: DIG) thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức hồi tháng 4/2022, DIC Corp đã thông qua phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 30.000 đồng/CP. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 diễn ra hồi tháng 10/2022 đã thông qua phương án điều chỉnh giá chào bán xuống còn 15.000 đồng/CP sau khi ĐHĐCĐ bất thường lần 1 tổ chức bất thành do không đủ tỷ lệ cổ đông tham gia.

Trong tháng 2/2023, DIC Corp công bố dời thời gian chào bán 100 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/CP từ quý I/2023 sang quý II đến quý III/2023.

Chứng khoán rung lắc, bên bán mất kiên nhẫn, cổ phiếu bất động sản phân hóa

Ở chiều ngược lại, V11 dẫn đầu Top 20 cổ phiếu bất động sản giám giá mạnh nhất tuần. Cụ thể, V11 giảm 16,7% từ 600 đồng/CP xuống còn 500 đồng/CP. Thanh khoản 42.500 đơn vị.

HPI của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (UpCOM), VHD của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex (UpCOM), LSG của Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn VINA (UpCOM) giảm lần lượt 14,8%, 14,5% và 13,2%.

KSF của Công ty Cổ phần Tập đoàn KSFinance (HNX) giảm 7,8% từ 43.400 đồng/CP còn 40.000 đồng/CP. Ngày 20/4 vừa qua, KSF công bố báo cáo thường niên. Trong đó, kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2022 so với kế hoạch: doanh thu thuần đạt 1.212,592 tỷ đồng, đạt 38,33% so với kế hoạch đề ra là 3.163,723 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 619,768 tỷ đồng, đạt 149,54% so với kế hoạch. Phần lớn doanh thu tới từ hoạt động kinh doanh chứng khoán (chiếm 48,85%), chuyển nhượng bất động sản và bất động sản đầu tư (chiếm 37,54%).

QCG của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HoSE) tuần qua giảm 4,8% từ 4.210 đồng/CP xuống còn 4.010 đồng/CP. QCG có 1 tuần giao dịch chìm trong sắc đỏ, kéo dài chuỗi 9 phiên giảm điểm liên tiếp.

Kinh doanh ảm đạm, đầu tháng 4, Quốc Cường Gia Lai bán dự án thuỷ điện. Trong năm 2022, lợi nhuận ròng của QCG giảm 62% về 25 tỷ đồng (mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua). Bên cạnh đó, QCG còn bị xử lý về thuế 2,3 tỷ đồng do vi phạm cho kỳ thanh tra thuế 2019 - 2020. Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai vừa thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Thủy điện IaGrai 1 tại tỉnh Gia Lai. Thời gian chuyển nhượng dự kiến trong quý II/2023. Giá chuyển nhượng tối thiểu bằng giá trị sổ sách tại thời điểm chuyển nhượng.

NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HoSE) giảm 4,2% từ 14.200 đồng/CP xuống còn 13.600 đồng/CP. Thanh khoản sụt giảm, tuần qua chỉ có 120,138300 triệu đơn vị NVL chuyển nhượng thành công, giảm 41,5%.

Cổ phiếu NVL vào diện cảnh báo. CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) giải trình khắc phục diện cảnh báo của cổ phiếu NVL. "Novaland cam kết sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định và quy chế liên quan đến việc công bố thông tin nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của nhà đầu tư và tính minh bạch của công ty", văn bản giải trình của Novaland nhấn mạnh.

Cổ phiếu NVL đang giao dịch quanh mức 14.000 đồng, tăng gần 40% kể từ đầu tháng 3 và tương đương mức thị giá với thời điểm đầu năm. Giá trị vốn hoá tương ứng ở mức 28.000 tỷ đồng.

PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE) giảm 3%, từ 13.400 đồng/CP còn 13.000 đồng/CP.

Chứng khoán rung lắc, bên bán mất kiên nhẫn, cổ phiếu bất động sản phân hóa

Như vậy, thị trường giảm liền 2 tuần sau khi có chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp. Thanh khoản ở các phiên tăng thấp hơn các phiên giảm trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn cho thấy xu hướng giảm còn có thể tiếp diễn. Tuần tới, các báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 sẽ ra nhiều hơn, cố phiếu riêng lẻ vẫn có cơ hội và thị trường có thể đi vào trạng thái phân hóa./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
0.90 (0.00%)
20.60 +0.10 (+0.49%)
13.00 (0.00%)
5.90 +0.10 (+1.72%)
27.75 +0.40 (+1.46%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả