Chứng khoán BIDV, DNSE, VIX giảm lãi
Các công ty chứng khoán báo lãi quý II giảm phần nào do hoạt động tự doanh kém hiệu quả. Trong khi đây lại là nguyên nhân giúp phần lớn ngành này lãi lớn.
Bức tranh lợi nhuận quý II của ngành chứng khoán đang dần được hé lộ. Phần lớn doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tiêu biểu như Chứng khoán Kỹ thương (tăng 192%, đánh dấu kết quả tăng trưởng theo quý kỷ lục), Chứng khoán MB (tăng 75%), Chứng khoán TPHCM (tăng gần 100%, đồng thời là mức cao nhất gần 3 năm), Chứng khoán Vietcap (tăng 140%)... Quan sát cho thấy lợi nhuận bứt phá của nhóm này chủ yếu tới từ mảng tự doanh hiệu quả.
Thống kê từ FiinTrade tính đến ngày 21.7, chứng khoán là một trong những nhóm ngành đóng góp chủ yếu vào mức tăng của tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2024 so với cùng kỳ năm trước.
Ngược lại, ở nhóm giảm lợi nhuận, Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI) báo lãi trước thuế quý II giảm 11% còn 136 tỉ đồng. Lãi sau thuế tương ứng đạt 114 tỉ đồng, giảm 7%. So với mức lợi nhuận trong quý I/2024, kết quả lợi nhuận của BSI "đuối sức" với mức giảm khoảng 17%. Phản ánh lại, cổ phiếu BSI đã đánh mất gần 20% giá trị trong quý vừa qua.
Điều đáng nói, BSC ghi nhận lãi từ mảng tự doanh kém tích cực, trái ngược với số đông trong ngành. Theo đó, quý II công ty chỉ lãi 48 tỉ đồng từ hoạt động tự doanh, trong khi cùng kỳ lãi 91 tỉ đồng.
Tân binh sàn HOSE - Công ty Chứng khoán DNSE ghi nhận lãi sau thuế quý II 34 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải về nguyên nhân, DNSE cho biết doanh thu hoạt động quý II tăng 12% so với cùng kỳ chủ yếu từ mảng môi giới. Tuy nhiên tương tự như BSC, lãi từ tài sản FVTPL của DNSE giảm 81%. Chi phí hoạt động tăng 26%, chủ yếu từ nghiệp vụ môi giới. Thêm vào đó, lỗ từ các tài sản FVTPL ghi nhận 24 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ hoàn nhập hơn 4 tỉ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 62% lên 36 tỉ đồng.
Cái tên khác là Chứng khoán VIX (mã VIX) cùng công bố kết lợi nhuận sau thuế trong quý II thu hẹp 78% so với cùng kỳ năm trước, xuống 124 tỉ đồng. Lãi từ tài sản FVTPL đạt 222 tỉ đồng, chỉ bằng một nửa so với quý II năm ngoái. Theo VIX, thị trường chứng khoán đã chứng kiến nhịp điều chỉnh sâu trong tháng 4 và tháng 6, trước nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến danh mục tự doanh của công ty.
Ở diễn biến khác, các công ty chứng khoán báo lỗ trong quý II chủ yếu có quy mô nhỏ như Chứng khoán CV, Chứng khoán Phố Wall, Beta, JB Việt Nam, Eurocapital...
Theo đánh giá từ chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDIRECT, tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành chứng khoán đã được phản ánh trong định giá cổ phiếu. Do đó, định giá của ngành này không còn hấp dẫn nhiều so với các ngành khác trong bối cảnh các triển vọng dài hạn liên quan đến việc triển khai hệ thống KRX, nâng hạng lên thị trường mới nổi và việc cắt giảm lãi suất lần đầu của Fed dự kiến vào tháng 3.2024 đều đã bị trì hoãn.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp liên tục tăng vốn, hiệu quả đầu tư được dự báo sẽ là điểm khác biệt chính trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận