Chủ tịch Trương Sỹ Bá (BAF): Dịch tả châu Phi làm ngành điêu đứng, nhưng là cơ hội lớn
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) nhận định rằng dịch tả heo châu Phi (ASF) là thách thức lớn với ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp đầu tư bài bản, kiểm soát tốt.
Dịch bệnh thách thức, hộ nhỏ lẻ “khổ trăm bề”
Nhận xét tình hình chung, Chủ tịch Trương Sỹ Bá cho biết tổng đàn heo tại Việt Nam hiện đang tương đối lớn, cỡ 25 – 26 triệu con, cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng trên 45 triệu heo thịt. Trong khi đó, người Việt sử dụng tới 70% khẩu phần ăn là thịt heo.
Dịch ASF đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2019, theo ông Bá, là một thách thức lớn, đặc biệt với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhận định này dựa trên thực tế về điều kiện an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh của nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ yếu hơn, qua đó chịu ảnh hưởng lớn tới điêu đứng, thậm chí có thể xem là "khổ trăm bề".
Tuy vậy, trong nguy có cơ, trong thách thức vẫn tồn tại cơ hội, dành cho nhóm chăn nuôi công nghiệp.
Chủ tịch thương hiệu “Heo Ăn Chay” chia sẻ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước thời điểm có dịch ASF chiếm thị phần đa số, tới 80% tổng đàn của Việt Nam. Nhưng khi dịch bệnh xuất hiện, thị phần chăn nuôi nhỏ lẻ giảm xuống còn dưới 60%. Đây chính là cơ hội cho nhóm chăn nuôi heo công nghiệp – nơi được đầu tư bài bản hơn, kiểm soát quản trị tốt hơn.
Ông Bá cho rằng ngành chăn nuôi Việt Nam phải xác định “chung sống với dịch”. Theo ông, thời điểm hiện tại vẫn chưa có vaccine hoàn hảo – loại đã được khẳng định, kiểm chứng tác dụng trên đàn heo - dù dịch ASF đã xuất hiện trên thế giới hơn 100 năm qua. Việc chung sống là bắt buộc, cho đến khi có vaccine để giải quyết bài toán.
Bên cạnh đó, tình dịch bệnh kể từ sau 2019 đang trở nên phức tạp hơn do các chủng virus biến đổi khó lường. Trong bối cảnh này, nhóm chăn nuôi công nghiệp sẽ có thêm lợi thế nhờ tiêu chuẩn kiểm soát cao.
“Có những con heo không biểu hiện bệnh, nhưng chỉ 3-5 ngày là chết, rất khó nhận biết, càng ngày càng phức tạp hơn. Người dân và doanh nghiệp đã có ý thức hơn về an toàn sinh học nên dịch có giảm bớt so với 2019 nhưng chưa thể nói câu chuyện rằng dịch đã được kiểm soát, còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”.
Một lợi thế khác cho nhóm chăn nuôi công nghiệp là biến đổi khí hậu – thứ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành chăn nuôi heo. Ông Bá cho biết, tiểu khí hậu tại chuồng nuôi có ảnh hưởng lớn sự phát triển của đàn heo, đặc biệt là nhiệt độ, không thể nóng hay lạnh quá. Vì vậy, các hộ nhỏ lẻ sẽ chịu nhiều ảnh hưởng vì tiêu chuẩn chuồng trại thiếu bài bản. Ngược lại, chăn nuôi công nghiệp có nhiều lợi thế.
Áp lực giá từ heo nhập khẩu, nhập lậu là không đáng kể?
Dịch bệnh gây ra áp lực giá cho ngành chăn nuôi do thị trường xuất hiện nguồn heo chạy dịch từ nông dân. Thực tế, giá heo hơi vài tháng qua đã giảm mạnh so với vùng đỉnh trên 60,000 đồng/kg được ghi nhận vào tháng 07/2023.
Bên cạnh áp lực từ dịch bệnh, tình trạng heo nhập lậu qua các cửa khẩu tràn vào Việt Nam được cho là nguyên nhân khiến giá heo trong nước sụt giảm. Tuy vậy, ông Bá cho rằng đây không phải là nguyên nhân chính.
Tương tự, ông Bá cho nhận định tương đối tích cực về ảnh hưởng của heo đông lạnh nhập khẩu – nguồn chiếm khoảng 2.1% so với sản lượng thịt sản xuất trong nước 10 tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Nguyên nhân do thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn đang chuộng “thịt nóng, thịt tươi”, nên đây là phân khúc không bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, tỷ lệ 2% cũng là không đủ để điều tiết giá cả thị trường, mà phải là 50% - mức mà Chủ tịch BAF tự tin rằng Việt Nam sẽ không nhập khẩu nhiều đến vậy.
Nguồn cung không quá dồi dào, giá heo có thể tăng lên 55,000 đồng/kg sau Tết
Về nguồn cung và giá thịt heo trong ngắn hạn, ông Bá cho rằng với tổng đàn heo cả nước là 27 triệu con (cho ra thị trường 45-50 triệu heo thịt/năm) cùng các loại thực phẩm khác, về cơ bản là đảm bảo nguồn cung dịp lễ Tết sắp tới, khi nhu cầu tiêu dùng gia tăng.
Tuy vậy, ông nhận định giá heo sẽ nhích lên vào dịp cuối năm, vì các rủi ro từ ASF khiến nguồn cung không quá dồi dào.
Riêng với giá thịt heo, Chủ tịch BAF cho biết giá hiện tại đang ở vùng đáy. Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với nhóm chăn nuôi công nghiệp thực chất không quá lớn.
“Vùng giá này là đáy, phải hiểu là nếu thủng mức này thì lỗ. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ phụ thuộc phụ thuộc hoàn toàn vào việc mua con giống, thức ăn, nếu công tác bảo vệ đàn an toàn sinh học không tốt thì rất rủi ro. Giá này với họ đang tiệm cận về giá vốn rồi, thậm chí với nông hộ nào kiểm soát đàn không tốt thì đã thua lỗ”.
“Cũng hi vọng tương lai giá tiếp tục tăng ở cuối năm, và sau Tết âm lịch. Theo tôi nhận định, giá heo hơi trong Tết sẽ tăng từ 48,000 – 51,000 đồng/kg, và tăng lên 53,000 - 55,000 đồng/kg sau Tết”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận