Chủ tịch PV Trans kể chuyện đầu tư tàu
PV Trans có kế hoạch đầu tư 23 tàu mới năm nay, trong đó riêng công ty mẹ 6 tàu và đơn vị thành viên 17 tàu.
PV Trans (HoSE: PVT) có kế hoạch đầu tư tàu mới để trẻ hóa đội tàu. Năm ngoài, tổng công ty đã đầu tư 6 tàu mới, riêng công ty mẹ 2 tàu. Năm nay, doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch đầu tư tàu rất tham vọng, công ty mẹ 6 tàu và các đơn vị thành viên 17 tàu.
Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT thừa nhận kế hoạch đầu tư năm nay cực kỳ lớn và được đề ra từ 2021. Song, chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, sản lượng vận tải dầu, lạm phát, lãi suất, giá sắt và thép cùng tăng ảnh hưởng rất lớn với thị trường mua bán tàu biển, giá tàu tăng lên mạnh.
Giá tàu tăng mang lại lợi ích cho tổng công ty là các năm trước đây thực hiện “bắt đáy” đầu tư nhiều tàu. Ông Việt Anh chia sẻ rất nhiều tàu mua cách đây 2 – 3 năm giờ đã tăng giá tầm 10 – 11 triệu USD, tức tăng từ 50 – 80%. Ví như doanh nghiệp đầu tư được 2 đến 3 tàu Aframax (10 tuổi) giá 18 triệu USD, đến nay tăng lên 28-20 triệu USD; hay tàu Supramax (10 tuổi) giá cũng tăng từ 13-14 triệu USD lên 23-24 triệu USD. Tuy nhiên, giá tàu tăng mạnh cũng khiến doanh nghiệp phải cận trọng trong công tác đầu tư tàu.
Theo vị chủ tịch, đầu năm đến nay, PV Trans đã đầu tư được 3 tàu do các đơn vị thành viên thực hiện, 2 tàu hóa chất 13.000 dwt và 1 tàu gần 20.000 dwt, đưa vào khai thác ngay. Trong 2 đến 3 tháng tới, công ty mẹ nhắm tới 2 - 3 tàu chở dầu trọng tải lớn 45.000 – 50.000 dwt.
“Với giá tàu và giá cước hiện nay, các tàu chờ dầu cỡ lớn như trên hay tàu hàng rời loại Handy vẫn có thể đầu tư được, nhưng với Aframax, Supramax, Seawaymax thì phải chờ thời cơ vì giá đã tăng rất mạnh”, ông Việt Anh nhận định.
Với PV Trans, kế hoạch đầu tư lập ra, tổng ngân sách đã được cổ đông lớn phê duyệt. Do vậy, Chủ tịch HĐQT khẳng định nếu tổng mức đầu tư vượt ngưỡng được duyệt doanh nghiệp cũng không triển khai được. Trong trường hợp thị trường tốt, tổng công ty sẽ đầu tư được khoảng 7 đến 10 tàu trong năm nay.
Ngân sách đầu tư năm nay của công ty mẹ tổng công ty ở mức 3.299 tỷ đồng, riêng đầu tư tàu 2.916 tỷ đồng, chủ yếu là các tàu hàng rời, tàu chở dầu thô, tàu dầu/hóa chất cỡ lớn.
Mặt khác, công ty không được hưởng ưu đãi về lãi vay cho việc đầu tư tàu. Việc vay vốn trở nên khó khăn hơn vì các ngân hàng đang siết chặt tín dụng. Dù vậy, lãnh đạo PV Trans chia sẻ tình hình tài chính của công ty mẹ và các công ty con vẫn tốt, việc thu xếp vốn chưa gặp khó khăn lớn. Với các dự án đã đề ra, công ty ký được hạn mức tín dụng với nhiều ngân hàng lớn.
Xét 1 cách tổng thể, ông Việt Anh cho rằng việc đầu tư tàu thời điểm hiện nay có rủi ro hay không phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Giá cước vận chuyển tăng lên đồng nghĩa thị trường mua bán tàu biển tăng lên, nếu đầu tư doanh nghiệp sẽ tranh thủ được giá cước tăng nhưng vấn đề là kéo dài được bao lâu.
Nếu nhìn về dài hạn, giá tàu biển hiện nay vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn 2008-2009, cơ hội đầu tư vẫn còn. Theo ông Việt Anh, tàu Aframax (10 tuổi) hiện giá khoảng 28-30 triệu USD thì thời điểm 2007 phải trên 50 triệu USD. Tàu Supramax (10 tuổi) hơn 24-25 triệu USD, thời điểm 2007 phải 50 triệu USD.
Về bối cảnh thị trường, lãnh đạo PV Trans nhận định nếu năm 2023 xảy ra suy thoái kinh tế thì thị trường vận tải biển sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể, giá cước duy trì ở mức cao. Việc Nga - Ukraine căng thẳng chính trị cũng như Trung Quốc áp dụng chính sách "Zero - Covid" khiến tàu phải đi nhiều hải lý hơn, sản lượng vận chuyển tăng lên.
Trước đây, Nga xuất khẩu trực tiếp dầu sang châu Âu, giờ xuất sang Trung Quốc và Ấn độ. Hay việc xuất khẩu ngũ cốc, đạm, kim loại của Nga không còn đi sang châu Âu mà đi nơi khác với tuyến vận tải dài hơn. Tương tự với xăng dầu, châu Âu thay vì mua từ Nga thì mua từ Mỹ, Trung Đông; khí trước đây nhận bằng đường ống cũng chuyển sang nhập LNG bằng đường biển từ Trung Đông và Mỹ.
Điều này khiến giá cước tàu chở hóa chất, xăng dầu đang tăng mạnh, gấp đôi so với đầu năm. Các năm tiếp theo, mức cước giảm nhưng chỉ giảm 2-3% so với mức cao hiện nay.
Ngoài ra, việc tàu đóng mới hạn chế, do giá sắt thép tăng và nhiều đơn vị tập trung đóng tàu container khiến lượng cung tàu hóa dầu ít.
Không chỉ PV Trans, Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) hay Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) cũng đã và đang đầu tư mạnh đội tàu.
Xếp dỡ Hải An đầu tư 2 tàu container mới nâng tổng số đội tàu lên 9 trong năm trước. Vào tháng 8/2021, đơn vị ký hợp đồng đóng mới 2 tàu container loại Bangkok Mark IV (1.800 TEU). Năm nay, doanh nghiệp có phương án mua 2 tàu cũ, đóng mới 3 tàu loại 1.800 TEU (Bangkok Mark IV) và 2 tàu loại từ 1.800 – 4.500 TEU trong giai đoạn 2021-2024. Mục tiêu để duy trì số chuyến nội địa là 5 mỗi tuần, mở rộng tuyến Hongkong và Singapore.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam công bố việc thành lập Công ty cổ phần Vận tải container VIMC để bắt kịp xu hướng container hóa trong vận tải biển trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khi thành lập công ty mới, VIMC sẽ góp bằng vốn 2 tàu container đang sở hữu. Ngoài ra, tổng công ty sẽ đầu tư vỏ container để thay thế vỏ cũ, tổng mức đầu tư khoảng 146,8 tỷ đồng; đầu tư 2 tàu container 1.700 – 2.200 TEU với tổng mức đầu tư 1.160 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận