Chủ tịch Nguyễn Như So: DBC từng bước phục hồi từ quý 3, hướng đến việc xuất khẩu không chỉ riêng Trung Quốc
Đây là những nhận định của ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian tới.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của DBC tổ chức ngày 22/04 đã thông qua tất cả các tờ trình với các nội dung quan trọng liên quan đến kế hoạch kinh doanh, trích lập quỹ và sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…
2022 là năm khó khăn chưa từng có tiền lệ
Phát biểu mở đầu Đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cho biết dù hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu với chuỗi cung ứng khép kín nhưng DBC và các đơn vị thành viên không tránh được những tác động tiêu cực từ tình hình dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế…
Hầu hết các hoạt động trong ngành từ thức ăn chăn nuôi, con giống, chăn nuôi tập trung, thực phẩm... đều bị ảnh hưởng nặng nề. “2022 là năm khó khăn chưa từng có tiền lệ trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của DBC”, ông So khẳng định.
Căn cứ tình hình kinh doanh năm 2022 với lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng, đạt được chưa đến 1% kế hoạch. Do đó, Đại hội thông qua việc dành toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp mà không chi trả cổ tức cho các cổ đông.
Quý 2 còn khó khăn, từng bước phục hồi từ quý 3
Về kế hoạch kinh doanh 2023 đã được cổ đông thông qua, DBC đặt mục tiêu doanh thu (bao gồm tiêu dùng nội bộ) đạt 24,562 tỷ đồng, tăng hơn 11% và lãi sau thuế đạt 569 tỷ đồng, gấp hơn 109 lần so với thực hiện năm 2022.
Kết quả kinh doanh qua các năm và kế hoạch 2023 của DBC
(Đvt: Tỷ đồng)
Trước thắc mắc của cổ đông về cơ sở đặt kế hoạch tăng trưởng trên, Chủ tịch Nguyễn Như So cho biết kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 đã được tính toán, xây dựng dựa trên dự kiến sản lượng tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Ban lãnh đạo sẽ cố gắng nỗ lực để kiểm soát tốt hơn nữa chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, hạ giá thành, quyết tâm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Về kết quả quý 1/2023, đang được tổng hợp và sẽ công bố đúng thời gian quy định. Nhận định về tình hình kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2 nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên sẽ từng bước phục hồi kể từ quý 3/2023.
Phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu
Về mức độ ảnh hưởng của nguyên vật liệu đầu vào đến sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Như So đánh giá đây là vấn đề chung của ngành nông nghiệp Việt Nam, không riêng gì DBC hay bất cứ doanh nghiệp nào khác do các vấn đề chính sách, quy hoạch vùng nguyên liệu, nước ta phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu do năng lực sản xuất, phương thức canh tác và nguồn lực địa lý, tài nguyên hạn chế…
Trong những năm qua, DBC đã làm việc với nhiều địa phương và cơ quan quản lý nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả, ngoài một số nguyên liệu nội địa số lượng hạn chế như sắn, đậu tương, bột cá, cám gạo… còn lại hầu hết đều phải nhập khẩu.
“Tuy nhiên, đây là tình hình chung của thị trường và ngành thức ăn chăn nuôi có biên lợi tương đối ổn định”, vị lãnh đạo này cho hay.
Bên cạnh những nỗ lực xây dựng các giải pháp chủ động một phần nguyên vật liệu đầu vào, DBC cũng đặc biệt chú trọng đến đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật chuyên sau nhằm nâng cao năng suất, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào (như thức ăn, thuốc thú ý…), hạ giá thành sản xuất.
Về triển vọng mảng dầu thực vật, ông Nguyễn Như So thông tin tới cổ đông rằng mặc dù năm 2022 có nhiều khó khăn, sức mua nói chung và kể cả hàng tiêu dùng thiết yếu đều giảm mạnh, song kết quả kinh doanh của mảng dầu thực vật vẫn đạt 121% kế hoạch với trên 60 tỷ đồng lợi nhuận. Mặt hàng khô đậu tương DBC sử dụng phần lớn để sản xuất thức ăn chăn nuôi và một phần bán ra thị trường.
Dự án vaccine thành công sẽ hướng đến xuất khẩu
Thời gian gần đây có sự chuyển biến về nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sang các sản phẩm chăn nuôi khác (như thịt bò, gà…), và nhu cầu thịt lớn được dự báo giảm trong dài hạn. Đại diện DBC nhìn nhận thẳng thắn việc sức tiêu thụ hàng hóa nói chung, thực phẩm nói tiêng trên thị trường giảm là do tác động của tình hình kinh tế khó khăn, tài chính cá nhân và gia đình hạn hẹp.
Còn về văn hóa và thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn là tiêu thụ thịt lợn và là thịt lợn nóng theo cách truyền thông.
Theo đó, kế hoạch đầu tư trang trại lợn mới sẽ được bám sát kế hoạch tổng đàn lợn theo định hướng đã đề ra. Bên cạnh đó, DBC cũng đang tập trung xúc tiến các dự án đã được phê duyệt chủ trương như tại Quảng Ninh và một số địa bàn phù hợp khác.
Không chỉ phục vụ ở thị trường nội địa, Ban lãnh đạo DBC thông tin với cổ đông về việc Tâp đoàn đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam ra nước ngoài, không chỉ thị trường Trung Quốc.
Và để xuất khẩu thịt lợn hay bất cứ sản phẩm động vật nào cũng cần phải tuân thủ quy định kiểm dịch của nước sở tại. Đặc biệt, với kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vắc xin dịch tả lợn Châu phi (ASF), DBC đã và đang tích cực xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm khảo nghiệm và đã đăng ký lưu hành vắc xin ASF theo quy định của pháp luật và quyết tâm đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Đại diện DBC tự tin rằng rằng khi vắc xin ASF thành công sẽ đem lại những bước tiến to lớn không chỉ về mặt hiệu quả kinh tế mà còn về những thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc cho ngành chăn nuôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận