"Chốt" danh sách các dự án chậm, lãng phí, không hiệu quả cần giám sát xử lý
Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nghị quyết vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.
Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là Nghị quyết số 74/2022/QH15 vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.
Tại đây, Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Trong 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, Hà Nội đứng đầu các địa phương về số lượng với 6 dự án. TP. HCM xếp thứ hai với 4 dự án.
Mỗi thành phố có hai dự án đường sắt đô thị. Cụ thể, Hà Nội có Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
TP.HCM có Dự án tuyến đường sắt số 1: Bến Thành - Suối Tiên và Dự án tuyến đường sắt số 2: Bến Thành - Tham Lương.
Bốn dự án này năm nào cũng nằm trong báo cáo gửi tới Quốc hội với các thông tin hầu hết là chậm, đội vốn.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (JICA), được phê duyệt năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành (dự kiến năm 2028 mới kết thúc dự án), đội vốn quá lớn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.
Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành - Tham Lương (ADB, KfW, EIB), được phê duyệt tháng 10/2010 song theo Báo cáo của Thành phố thì thời gian hoàn thành thi công đưa vào khai thác dự kiến phải đến năm 2030.
Đây cũng tiếp tục là dự án đội vốn rất lớn, tổng mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỷ đồng vào 2010, đến 2018 là 47.891,28 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội: Tổng mức đầu tư: 32.910 tỷ đồng, thời gian thực hiện: 2008-2022; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678,632 tỷ đồng.
Bốn dự án còn lại của Hà Nội là Dự án Nhà ở sinh viên cụm trường tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp; Dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Bảo tàng Hà Nội, Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội. Hai dự án còn lại của TP.HCM là Đường song hành cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.
13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ gồm có: Nhà máy thuỷ điện Quảng Trạch, Nhà máy Thủy hiện Hoà Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Yaly mở rộng, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch3, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II (dự án BOT), nhà máy nhiệt điện An Khánh, Bắc Giang (dự án IPP), Nhà máy thủy điện Hồi Xuân (dự án IPP); Chuỗi dự án khí - điện Lô B (gồm dự án phát triển mỏ khí Lô B; dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Dự án trung tâm điện lực Ô Môn gồm nhà máy điện Ô Môn I, II, III, IV, Chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh: Chuỗi dự án khí điện LNG Sơn Mỹ gồm dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ và dự án trung tâm điện lực Sơn Mỹ - nhà máy điện Sơn Mỹ I và II. Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể giải quyết các dự án sử dụng vốn nhà nước thua lỗ tại các doanh nghiệp. Làm rõ trách nhiệm và kết quả xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, gây ra thua lỗ, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các nguồn vốn nhà nước khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận