Chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang đảo chiều nhanh hơn giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, đến nỗi các nhà chức trách đang rút lại các hỗ trợ Covid-19 gấp gáp hơn so với cách họ làm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo Allianz - tổ chức dịch vụ tài chính lớn có trụ sở tại München, Đức.
Vào thời điểm hậu khủng hoảng tài chính 2008, các chính sách kích thích lớn của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Còn với lần này, Trung Quốc tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nước mà không cung cấp các hỗ trợ quốc tế, nhà kinh tế cấp cao Francoise Huang cho biết trong một bản tin phát đi hôm thứ Hai.
Chính sách nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh, bao gồm cả việc áp dụng lãi suất thấp hơn, bắt đầu từ tháng 1/2020 sau sự gia tăng các ca lấy nhiễm Covid-19 ở trong nước. Chương trình hỗ trợ này đã đạt đến đỉnh điểm vào tháng 10, sau đó 9 tháng, với mức độ chỉ tương đương 41% cường độ ở giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008, Huang cho biết, trích dẫn kết quả một phân tích độc quyền.
Điều đó có nghĩa là chương trình kích thích Covid-19 của Trung Quốc đã kết thúc sớm hơn 3 tháng so với chương trình kéo dài 12 tháng vào năm 2009, cũng theo nghiên cứu nói trên.
Trung Quốc đã đạt tăng trưởng 2,3% vào năm ngoái và là quốc gia lớn duy nhất mở rộng quy mô nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái diễn ra trên hầu khắp toàn cầu.
Các chính sách hạn chế nghiêm ngặt và việc đóng cửa đối với du lịch quốc tế nhằm ngăn chặn đại dịch đã cho phép Trung Quốc tăng trưởng trở lại vào quý II năm ngoái, với chỉ vài đợt bùng phát dịch mới. Ngược lại, Mỹ vẫn công bố hàng chục nghìn trường hợp lây nhiễm mới mỗi ngày, và Liên minh châu Âu đang chuẩn bị để đối đầu với làn sóng Covid-19 thứ ba.
Các biện pháp phong tỏa và các hạn chế khác khiến chính phủ ở các khu vực phải ban hành các hỗ trợ của riêng họ. Riêng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã tung ra gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, triển khai ngay trong tháng này.
Các động thái đó được ghi nhận trên toàn cầu, bao gồm cả với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
"Siêu kích thích" của Mỹ có thể làm tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này trong năm nay và năm sau thêm 60 tỷ USD, Huang nói, trích dẫn ước tính từ Euler Hermes - một công ty con của Allianz.
Nhu cầu cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc làm tăng thêm sức bật cho nền kinh tế thứ hai thế giới, giúp các nhà chức trách nước này có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề trong nước mà không quá lo ngại về các ảnh hưởng đến tăng trưởng.
“Mục đích của việc thắt chặt chính sách của Trung Quốc là để bịt các lỗ hổng tài chính và giải quyết nguy cơ phát triển quá nóng trên thị trường bất động sản và tài chính”, Huang nói.
Tuy nhiên, Huang không kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ sớm tăng lãi suất hoặc áp dụng các biện pháp mạnh tay khác mà nó “có thể dẫn tới một sự thay đổi quá đột ngột của chính sách và gây hại cho sự phục hồi kinh tế”, có lẽ sẽ là những thay đổi tinh vi hơn.
Một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện cách tiếp cận "tiết chế" là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm thứ Hai đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản - một định hướng cho chi phí cho vay - trong tháng 3, tháng thứ 11 liên tiếp. Lần cuối cùng ngân hàng trung ương này thay đổi lãi suất chính sách là đợt cắt giảm vào tháng 4/2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận