24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thủy Tiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chính sách bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu còn mơ hồ

Giới chuyên gia cũng như doanh nghiệp có chung nhận định, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay có tính độc quyền rất cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ đối mặt với nhiều rào cản, chính sách bảo đảm quyền lợi cho nhóm doanh nghiệp này còn rất mơ hồ...

Tính độc quyền rất cao

Tại sự kiện công bố kết quả nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” ngày 27/6 tại Hà Nội, một trong những nội dung được các diễn giả, đại biểu tập trung phân tích, thảo luận là tính độc quyền của thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay.

Dẫn kết quả nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thực hiện, ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS cho biết, nhìn vào thị phần xăng dầu có thể thấy thị trường có tính độc quyền rất cao. Các thương nhân đầu mối với những tên tuổi lớn như Petrolimex chiếm tới 50% thị phần, PVOIL 18%, Thanh Lễ 8%, Saigon Petro và Mipec cùng có thị phần ở mức 6%.

"Trong một thị trường mà một vài DN chiếm thị phần lớn, ở đây Petrolimex và PVOIL chiếm tới 70% quy mô thị trường, cho thấy rằng thị trường có tính độc quyền rất cao", ông Thành nhấn mạnh.

Chính sách bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu còn mơ hồ
Theo ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VESS, thị trường xăng dầu có tính độc quyền rất cao.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, lịch sử để lại là điều rất dễ hiểu bởi vì Petrolimex là DN hàng đầu, được hình thành trong quá khứ để chịu trách nhiệm về thị trường xăng dầu Việt Nam. Thị trường có vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào lịch sử. Quá trình thị trường hóa làm giảm tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh lên nhưng di sản của lịch sử vẫn còn rất rõ ràng.

Chiết khấu của DN bán lẻ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của nhà phân phối cấp trên do tính chất độc quyền. Đây là lý do khiến nhiều DN bán lẻ phải chịu thua lỗ hoặc tiếp tục bán cầm chừng do chiết khấu bằng 0 hoặc rất thấp, không bảo đảm đủ chi phí kinh doanh. DN bán lẻ giảm động lực kinh doanh và rút khỏi thị trường.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội xăng dầu trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phản ánh, trong 4 năm qua, ở vị trí cuối cùng trong chuỗi cung ứng, các DN bán lẻ xăng dầu vô cùng khó khăn.

Từ năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới biến động và thị trường xăng dầu Việt Nam rơi vào tình trạng rối loạn khi xăng dầu không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. DN bán lẻ xăng dầu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chính sách điều hành của cơ quan quản lý.

DN bán lẻ chỉ được hưởng một phần chiết khấu cho khâu bán lẻ để chi trả cho toàn bộ hoạt động của DN. Nhưng nhiều tháng trong năm 2022, chiết khấu cho các DN bán lẻ ở mức bằng 0. Theo đó, nhiều DN bên bờ vực phá sản. Trong khi đó, chính sách bảo đảm quyền lợi cho các DN bán lẻ xăng dầu còn rất mơ hồ.

Rào cản chính sách

Theo Chủ tịch Chi hội xăng dầu, rào cản lớn nhất hiện nay là quan điểm chính sách chỉ mang tính chất một chiều bởi không được phản biện và phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc.

Chính sách bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu còn mơ hồ
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Chủ tịch Chi hội Xăng dầu cho rằng, chính sách bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu còn rất mơ hồ.

"Đơn cử như trong Nghị định 83 hoặc Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, quy định về cách tính giá chưa phù hợp, chưa có sự nhịp nhàng giữa giá quốc tế và giá trong nước. Hay ý kiến từ cơ quan quản lý là chỉ cho cửa hàng bán lẻ lấy từ 1 nguồn bởi vì lấy từ nhiều nguồn là không bảo đảm chất lượng. Quan điểm này không có cơ sở. Không cho lấy hàng từ nhiều nguồn là biểu hiện của lợi ích nhóm", bà Hường nói.

Luật DN quy định, DN được chủ động xác định quy mô kinh doanh phù hợp. Nhưng khi DN bị lỗ, thì cơ quan quản lý không cho phép DN giảm thời gian bán hàng. Thời gian vừa qua, rất nhiều DN bị phạt vì rút ngắn thời gian bán hàng dù đã có thông báo với Sở Công Thương. Các DN đầu mối không có hàng cung cấp cho cửa hàng bán lẻ nhưng các cửa hàng bán lẻ vẫn bị phạt vì giảm sản lượng không có lý do.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch Chi hội xăng dầu cho rằng, các DN bán lẻ xăng dần rất cần phản biện xã hội từ các nhà nghiên cứu độc lập.

"Hiện Nghị định 83 và 95 vẫn đang có hiệu lực với những quy định rất cụ thể. Chỉ cần thực hiện theo đúng những quy định của Nghị định 83 và Nghị định 95, chúng ta đã làm chủ được thị trường, chưa cần sửa đổi", bà Hường chia sẻ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả