CEO Sợi Thế Kỷ: Tập trung vào hàng giá trị tăng cao để giảm thiểu tác động lạm phát
Tình hình bán hàng của Sợi Thế Kỷ quý II chậm hơn quý I, lợi nhuận ước tương đương cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cung cấp tại hội thảo gần đây, xuất khẩu khẩu dệt may nửa đầu năm ước đạt 22 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, từ một nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu sợi nhập khẩu, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 5,6 tỷ USD sợi, sang 6 tháng đầu năm nay đạt gần 3 tỷ USD.
Do vậy, nhiều đơn vị phần tích kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may nói chung và sợi nói riêng tiếp tục khả quan trong quý II. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất được cho là sẽ tác động không nhỏ chi phí cũng như thị trường xuất khẩu chính của ngành.
Lợi nhuận quý II tương đương cùng kỳ năm trước
- Diễn biến ngành nửa đầu năm tương đối khả quan, ông có thể chia sẻ về kết quả đạt được của Sợi Thế Kỷ?
- Quý I, đơn hàng phục hồi khá tốt đối với toàn ngành dệt may do nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tình hình bán hàng của quý II không bằng so với quý I do yếu tố chu kỳ thường là mùa thấp điểm (vì đây là giai đoạn chuyển tiếp trong việc nhận đơn hàng cho mùa sau). Đồng thời, việc nhận đơn hàng trong quý II năm nay diễn biến chậm hơn bình thường do các khách hàng sản xuất vải do dự trong việc chốt giá đơn hàng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động liên tục.
Ngược lại, giá bán được duy trì ở mức cao, Sợi Thế Kỷ dự kiến lợi nhuận trong quý II sẽ thấp hơn quý I và tương đương cùng kỳ năm trước.
- Ông vừa cho biết giá bán sợi được duy trì ở mức cao, vậy dự báo nửa cuối năm ra sao?
- Giá bán sợi không thay đổi nhiều so với đầu năm 2022 và vẫn được neo ở mức cao. Song, do giá nguyên vật liệu có thể tiếp tục diễn biến tăng trong nửa cuối năm nên giá bán sợi sẽ tăng lên, trừ trường hợp giá nguyên vật liệu giảm mạnh do nhu cầu suy giảm ở diện rộng.
- Xung đột Nga – Ukraine, giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chi phí vận chuyển. Với Sợi Thế Kỷ thì sao?
- Sợi Thế Kỷ ghi nhận chi phí này tăng 7% so với đầu năm 2022. Đối với công ty, chi phí vận chuyển hàng thành phẩm do khách hàng chịu (tùy điều kiện giao hàng) nên không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. Công ty chỉ chịu chi phí vận chuyển nguyên vật liệu từ kho của nhà cung cấp tới nhà máy.
- Lạm phát đang thực sự hiện hữu, giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác đều tăng. Ông có thể chia sẻ áp lực đối với công ty ra sao và giải pháp ứng phó?
- Công ty duy trì chính sách bán hàng có pricegap (khoảng giá). Theo đó, giá bán sẽ bằng giá nguyên vật liệu chính (PET chip) cộng thêm price gap. Khi giá nguyên vật liệu chính tăng thì giá bán tăng. Ngược lại khi giá nguyên vật liệu chính giảm thì giá bán giảm. Các yếu tố chi phí khác như chi phí vận chuyển nguyên vật liệu, chi phí lương, bao bì đóng gói thì được tính vào price gap và trong thời gian qua các yếu tố chi phí này cũng chịu áp lực tăng do lạm phát. Chi phí vận chuyển hàng thành phẩm thì như tôi chia sẻ ở trên do khách hàng chịu.
Để hạn chế tác động của chi phí đầu vào gia tăng, công ty đang áp dụng các biện pháp tiết kiệm (ví dụ như vận chuyển nguyên vật liệu thì tối ưu hóa phương tiện vận chuyển). Nếu trong dài hạn các yếu tố chi phí (vận chuyển nguyên vật liệu, nguyên phụ liệu, bao bì đóng gói) vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao hoặc tiếp tục tăng giá, công ty sẽ cân nhắc tăng price gap.
Mặt khác, để bù đắp chi phí gia tăng do lạm phát, công ty tiếp tục tập trung vào sản phẩm có giá trị tăng cao với chất lượng sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh.
Trong thời gian tới, Sợi Thế Kỷ sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm có tính năng đặc biệt như sợi có khả năng chống cháy (anti-flame yarn), sợi tự phân hủy (bio-degradable yarn), các sản phẩm theo hướng phát triển bền vững như sợi tái chế có màu (dope dyed recycled yarn), sợi tái chế chống tia UV (anti-UV recycled yarn)…
Do đó, tôi đánh giá lạm phát không ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh của công ty.
Nền kinh tế thế giới biến động khó lường, có rủi ro suy thoái
- Ông nhận định thế nào về triển vọng ngành dệt may nửa cuối năm?
- Những yếu tố thuận lợi của ngành như sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn Mỹ, EU, Canada, Australia, New Zealand có thể không còn được duy trì mạnh mẽ như ở các quý trước. Nguyên nhân là do tác động của các yếu tố vĩ mô như áp lực lạm phát, suy thoái kinh tế và thất nghiệp (hậu quả của cuộc chiến giữa Ukraine và Nga cũng như việc phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc).
Tuy nhiên, ảnh hưởng của các rủi ro này sẽ không đồng đều đối với các phân khúc sản phẩm và thị trường khác nhau. Mảng thời trang thể thao và năng động ít bị ảnh hưởng do người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ sức khỏe và sự thoải mái của trang phục. Ngoài ra, các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường cũng sẽ ít bị ảnh hưởng do người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới việc bảo vệ môi trường và các thương hiệu thời trang hàng đầu đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường.
Dù vậy, nền kinh tế thế giới thực sự đang có những biến động lớn và khó lường, trong trường hợp xấu nhất, kinh tế thế giới diễn tiến theo tình huống tiêu cực như suy thoái và đặc biệt các nước tiêu dùng lớn như Âu, Mỹ đi vào giai suy thoái kèm lạm phát. Khi đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm mạnh và ngành sợi, dệt may cũng không tránh khỏi bị tác động tiêu cực trong kinh doanh.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chưa phục hồi ở phân ngành may mặc cũng có thể khiến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp may mặc chậm lại.
- Kế hoạch huy động vốn của công ty bị kéo khá dài, đến nay vẫn chưa có thông tin triển khai. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch đầu tư nhà máy Unitex của công ty?
- Do dịch Covid-19 và quy mô lớn của dự án nên tiến độ thực hiện các thủ tục xin phép cơ quan Nhà nước chậm lại. Hiện tại, Sợi Thế Kỷ đã có được giấy đăng ký đầu tư điều chỉnh cho dự án và đang xin giấy phép xây dựng. Đơn vị đã ký hợp đồng mua máy móc cho giai đoạn 1 và đang thực hiện xây dàn móng cho nhà máy. Tôi dự kiến đến quý III/2023 nhà máy Unitex sẽ được đưa vào hoạt động.
Cơ cấu vốn tài trợ cho dự án là 70% vốn vay và 30% vốn chủ sở hữu (bao gồm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và vốn huy động từ các đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư bên ngoài). Nhu cầu giải ngân trong giai đoạn đầu không nhiều (chủ yếu là chi phí đặt cọc mua máy móc thiết bị, chi phí thiết kế và xây dựng móng) nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn đủ để tài trợ dự án.
Doanh nghiệp đang làm việc với ngân hàng để thu xếp vốn vay cho dự án trong quý III và đang hoàn tất hồ sơ cho đợt phát hành tăng vốn từ cổ đông hiện hữu để được cấp giấy phép trong quý II. Sau khi hoàn tất đợt phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu (dự kiến hoàn thành đầu quý III), Công ty sẽ triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư bên ngoài (dự kiến hoàn thành trong quý IV). Do đó, lịch biểu huy động vốn (vay và chủ sở hữu) sẽ kịp thời và có đủ để đáp ứng lịch biểu giải ngân của dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận