Cảng Sài Gòn hết lỗ lũy kế kéo dài
Với việc lãi đột biến trong năm 2021, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn đã kết thúc giai đoạn lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm và bắt đầu có thặng dư lợi nhuận.
Lãi đột biến từ liên doanh, liên kết
Cụ thể, Công ty đạt doanh thu thuần 376,96 tỷ đồng, tăng 55,7% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng hiệu quả hơn, giá vốn tăng ít hơn, giúp lợi nhuận gộp đạt 173,2 tỷ đồng, tăng 78,6% so với quý IV/2020.
Đóng góp đáng kể nhất vào lợi nhuận của Cảng Sài Gòn phải kể đến phần lợi nhuận từ hoạt động liên doanh, liên kết khi báo lãi tới 472,06 tỷ đồng, cao gấp 21 lần quý IV/2020, chủ yếu từ Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-SPA (SP-SPA) tăng lợi nhuận 463,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, theo tờ trình điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trình Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 9/2021, Ban lãnh đạo Cảng Sài Gòn cho biết, sau khi đàm phán, phía ngân hàng đã đồng ý xóa 66,9 triệu USD (tương ứng gần 61% dư nợ gốc) cho SP-SPA, nếu các cổ đông thanh toán toàn bộ số nợ gốc 43 triệu USD cho các ngân hàng trước tháng 10/2021. Do đó, Ban lãnh đạo Công ty đề nghị cổ đông thông qua đề nghị góp thêm vốn vào SP-SPA (cùng các cổ đông khác) để thực hiện cơ cấu nợ.
Cũng theo nội dung tờ trình trên, khoản nợ gốc vay được xóa sẽ được trình bày là thu nhập khác trên báo cáo tài chính của SP-PSA. Phần thu nhập khác 66,9 triệu USD sau khi cấn trừ với số lỗ sau thuế còn hiệu lực tại thời điểm cuối năm 2020 là 24,4 triệu USD, phần chênh 42,5 triệu USD sẽ được nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, nhiều khả năng, việc góp thêm vốn, cơ cấu nợ của SP-SPA đã hoàn tất và ghi nhận lợi nhuận đột biến từ khoản xóa nợ này.
Với sự đột biến từ liên doanh, liên kết, Cảng Sài Gòn đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế 597,8 tỷ đồng trong quý IV/2021, cao gấp 5,4 lần quý IV/2020. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 893,4 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần năm 2020, trong khi doanh thu thuần cả năm đạt 1.372,1 tỷ đồng, tăng 46%.
Đáng chú ý, với việc lãi đột biến trong năm 2021, Cảng Sài Gòn đã kết thúc giai đoạn lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm và bắt đầu có thặng dư lợi nhuận, mở ra triển vọng tích cực hơn về các khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông trong thời gian tới.
Các cảng nước sâu đã vượt qua giai đoạn khó khăn
Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cảng biển với việc sở hữu/góp vốn nhiều cảng biển thuộc khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu như Tân Thuận 1 (100% vốn), Tân Thuận 2 (100% vốn), Hiệp Phước (90,54% vốn), Korea Express (50% vốn), SSIT (38,93% vốn), SP-PSA (36% vốn), Tổng hợp Thị Vải (21% vốn), CMIT (15% vốn).
Những năm qua, trong khi các cảng ở khu vực TP.HCM do Cảng Sài Gòn sở hữu chi phối hoạt động khá hiệu quả, thì các cảng thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải như Korea Express, SSIT, SP-PSA, Tổng hợp Thị Vải, CMIT lại hoạt động kém hiệu quả hơn, một số cảng thua lỗ nhiều năm, lỗ lũy kế lớn và tạo ra gánh nặng lên kết quả kinh doanh.
Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đối mặt với nhiều khó khăn trong gần chục năm qua do nguồn hàng thiếu hụt, nhiều bến cảng được đầu tư khiến dư thừa công suất và các doanh nghiệp phải hạ giá để cạnh tranh. Tuy vậy, giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua và cụm cảng này sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng tích cực trong tương lai.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp kết quả kinh doanh của Cảng Sài Gòn tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh bước sang năm 2022, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cảng Việt Nam nói chung được đánh giá có nhiều thuận lợi nhờ triển vọng tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển dự báo rất tích cực do độ phủ vắc-xin cao, giúp hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được khôi phục...
Một yếu tố khác tiềm ẩn khả năng giúp Cảng Sài Gòn và các doanh nghiệp cảng biển cải thiện biên lợi nhuận là triển vọng đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển có thể sớm được thông qua. Giữa năm 2021, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) đã có công văn kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại nhiều khu vực các cảng biển. Tuy vậy, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp cảng biển không tăng giá dịch vụ trong thời gian thực hiện phòng dịch để hỗ trợ các nhà máy, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bước sang năm 2022, với việc thay đổi trong chiến lược chống dịch của cơ quan quản lý, hướng tới sống chung với dịch bệnh, nếu đề xuất tăng phí trên được xem xét trở lại, thì phần phí dịch vụ tăng thêm sẽ phản ánh tích cực trực tiếp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận