Campuchia: Xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch giảm 12%
Nhu cầu toàn cầu yếu đã khiến xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và sản phẩm du lịch (GFT) của Campuchia ghi nhận xu hướng giảm trong năm vừa qua, Khmer Times đưa tin.
Theo đó, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng GFT của Vương quốc chỉ đạt 11.12 tỷ USD, giảm 12% so với mức 12.68 tỷ USD hồi năm 2022, theo báo cáo mới đây của Tổng cục Hải quan và Thuế quan Campuchia (GDCE).
Theo báo cáo, xuất khẩu quần áo và hàng dệt may đạt lần lượt 8.02 tỷ USD và 124 triệu USD, ghi nhận mức giảm tương ứng là 11.43% và 6.48%. Xuất khẩu giày dép đạt 1.36 USD, giảm hơn 21% và xuất khẩu sản phẩm du lịch đạt 1.63 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các hãng Dệt may, Quần áo, Giày dép và Sản phẩm du lịch Campuchia (TAFTAC, trước đây là GMAC), ông Kong Sang, nguyên nhân khiến xuất khẩu ngành GFT giảm trong năm 2023 chủ yếu là do tình hình kinh tế suy giảm tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu và Anh.
Chủ tịch Sang nói: “Việc xuất khẩu các mặt hàng GFT sụt giảm như thế này đã khiến các bên liên quan khá lo ngại. Tuy nhiên, chúng tôi đều biết rằng mức sụt giảm này cũng tương tự như mức sụt giảm của các đối thủ chính của chúng tôi. Tất cả đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế toàn cầu”.
Các thị trường chính nhập khẩu hàng GFT của Vương quốc gồm có Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Nhật Bản, ASEAN và một số nước khác. Theo ông Sang, xuất khẩu hàng GFT sang Mỹ giảm khoảng 20% và sang EU giảm khoảng 11% hồi năm ngoái.
Penn Sovicheat, Ngoại trưởng và là người phát ngôn của Bộ Thương mại Campuchia (MoC) cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn do chiến tranh đã khiến nhu cầu toàn cầu đối với sản phẩm và nguyên liệu, bao gồm sản phẩm may mặc, trở nên yếu đi.
Ông nói: “Cú sốc mang tính hệ thống đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm hạn chế chi tiêu tiêu dùng trên khắp thế giới. Điều này khiến các quốc gia sản xuất hàng may mặc, kể cả Campuchia, phải đối diện với việc giảm đơn đặt hàng”.
May mặc, giày dép và sản phẩm du lịch là ngành mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn nhất cho Campuchia. Theo TAFTAC, hiện ngành này có khoảng 1,300 nhà máy và cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 900,000 công nhân, chủ yếu là lao động nữ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận