menu
BRICS - khối kinh tế đối trọng G7 mạnh đến đâu?
Lê Xuân Huấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

BRICS - khối kinh tế đối trọng G7 mạnh đến đâu?

Chiếm 26% GDP toàn cầu và có thể lên tới 34% nếu mở rộng, nhưng điểm yếu của BRICS so với G7 là khác biệt lớn giữa các thành viên.

Năm 2009, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần đầu của các nền kinh tế mới nổi về việc lập ra một khối kinh tế. Nam Phi được mời tham gia năm sau đó, đánh dấu sự hoàn chỉnh của BRICS. Khi ấy, các nhà phân tích lo ngại khối này sẽ sớm cạnh tranh với G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy).

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thành sự thật dù tỷ trọng GDP thế giới của BRICS đã tăng từ 8% năm 2001 lên 26% hiện nay. Trong cùng thời gian, tỷ trọng của G7 đã giảm từ 65% xuống 43%. Vào 22/8 này, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS khai mạc tại Johannesburg (Nam Phi). Sự kiện quy tụ Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hội nghị sẽ nhấn mạnh cách khối này vươn lên sau xung đột Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc. Các thành viên BRICS, dẫn đầu là Bắc Kinh, đang xem xét liệu có nên mở rộng thêm khối hay không. Một số cường quốc tầm trung coi khối là tổ chức phù hợp lợi ích. Có hơn 40 quốc gia đã đăng ký hoặc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập.

BRICS - khối kinh tế đối trọng G7 mạnh đến đâu?

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Brazil Michel Temer tại cuộc họp thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, ngày 26/7/2018. Ảnh: Reuters

BRICS tồn tại vì vài lý do. Đây là nơi để các thành viên chỉ trích những tổ chức khác như Ngân hàng Thế giới, IMF và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi họ xem nhẹ các nước đang phát triển. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói "sự tập trung" của sức mạnh kinh tế toàn cầu đang "khiến quá nhiều quốc gia phải chịu sự chi phối của quá ít quốc gia".

Là thành viên của khối cũng giúp các quốc gia có thêm uy tín. Tính trung bình, GDP của Brazil, Nga và Nam Phi tăng trưởng chưa đến 1% hàng năm kể từ 2013 (so với khoảng 6% của Trung Quốc và Ấn Độ). Các nhà đầu tư không mấy quan tâm đến triển vọng của Brazil hay Nam Phi, nhưng là quốc gia Mỹ Latinh và châu Phi duy nhất trong nhóm giúp hai nước này có sức ảnh hưởng lục địa.

Khối này cũng cung cấp hỗ trợ trong những thời điểm thành viên bị cô lập. Jair Bolsonaro, Cựu tổng thống Brazil, quay sang BRICS sau khi đồng minh của ông - Donald Trump - rời Nhà Trắng. Những ngày này, Nga cần BRICS hơn bao giờ hết. Trong một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao, Đại sứ Nga tại Nam Phi trả lời phóng viên rằng họ tham gia khối là để "kết bạn nhiều hơn".

Nga sẽ đạt được mong muốn này nếu Trung Quốc thành công trong việc kết nạp thêm nhiều quốc gia đang phát triển. Lý do gần như theo thuyết Newton: việc Mỹ tập hợp các đồng minh phương Tây khiến Trung Quốc phải tìm kiếm một phản ứng cân bằng ngược lại thông qua BRICS.

BRICS - khối kinh tế đối trọng G7 mạnh đến đâu?

Tỷ trọng trong GDP toàn cầu của các khối qua thời gian. Nguồn: Economist

Với nền kinh tế số hai thế giới, không có khối nào khác có thể là đối trọng với G7. Thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải chủ yếu là các nước Âu và Á. G20 thì bị chi phối quá nhiều bởi các thành viên phương Tây. Do đó, BRICS là lựa chọn tốt. Một quan chức Trung Quốc so sánh mong muốn của Bắc Kinh về một "đại gia đình" gồm các nước trong nhóm BRICS so với "vòng tròn nhỏ" (tức số ít các quốc gia lớn nắm sức mạnh chi phối) của phương Tây.

BRICS chưa công bố ứng viên chính thức để kết nạp thêm. Tuy nhiên, Economist đã đếm được 18 quốc gia triển vọng, dựa trên 3 tiêu chí gồm: đã nộp đơn xin tham gia, được Nam Phi (nước chủ nhà hội nghị lần này) nêu tên là một ứng viên; được mời dự hội nghị lần thứ 15 với tư cách là "người bạn" của khối.

Có thể kể đến Arab Saudi, UAE với mong muốn điều chỉnh lại mối quan hệ với Mỹ và xích lại gần Trung Quốc hơn. Bangladesh và Indonesia - giống như Ấn Độ, là nước châu Á đông dân muốn được bảo vệ khỏi sự chỉ trích của phương Tây về các vấn đề chính trị. Trong khi, Argentina, Ethiopia, Mexico và Nigeria đều nằm trong số các quốc gia lớn nhất trên lục địa của họ.

Trong trường hợp khó xảy ra là tất cả 18 nước đều được nhận vào khối sẽ làm tăng dân số từ 3,2 tỷ (41% so với thế giới) lên 4,6 tỷ (58%), so với 10% của các thành viên G7. Tỷ trọng kinh tế của "Big BRICS" sẽ tăng lên 34%, vẫn đứng sau G7 nhưng gấp đôi EU. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ là trụ cột, chiếm 55% sản lượng của 23 quốc gia (trong khi Mỹ chiếm 58% của G7).

Ngay cả khi việc kết nạp thành viên còn đang thảo luận, khối này đang siết chặt quan hệ hiện có. Ngoài hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các ông lớn, ngày càng nhiều các cuộc họp của các học giả, công ty, bộ trưởng, các đảng cầm quyền và các nhóm chuyên gia từ các thành viên và những nước thân thiện với họ. "Những cuộc họp này thường buồn tẻ nhưng chúng giúp các quan chức toàn cầu hóa quan hệ của họ", Oliver Stuenkel của Tổ chức cố vấn Getulio Vargas (Brazil), lập luận.

Khối BRICS cũng có những nỗ lực nghiêm túc hơn. Họ đã thành lập 2 tổ chức tài chính, mà Bộ trưởng Tài chính Nga từng mô tả là IMF và Ngân hàng Thế giới (World Bank) thu nhỏ. Đơn cử là phiên bản thu nhỏ của World Bank tên Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Ra đời năm 2015, họ đã cho vay 33 tỷ USD cho gần 100 dự án. Vì không giới hạn phải là thành viên BRICS nên NDB thu hút được thêm Bangladesh, Ai Cập và UAE. Uruguay sẽ sớm được thừa nhận tổ chức này.

Một "Big BRICS" nếu được mở rộng sẽ là thách thức với phương Tây nhưng không phải mối đe dọa chết người, theo Economist.

Bởi lẽ, khối này đang có những vấn đề nội tại. Khi Trung Quốc muốn mở rộng, Nga lại đang suy yếu kinh tế, còn Brazil, Ấn Độ và Nam Phi tỏ ra hoài nghi. Khác với G7, 5 thành viên này không có tính đồng nhất, khác nhau nhiều về chính trị, kinh tế và quân sự nên việc mở rộng sẽ làm sự khác biệt có thể thêm sâu sắc. Điều đó có nghĩa, dù khối có thể đe dọa trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo nếu to hơn nhưng muốn muốn thay thế thì khó.

Xét ví dụ về sự khác biệt kinh tế. GDP bình quân đầu người của thành viên nghèo nhất - Ấn Độ - chỉ bằng 20% của Trung Quốc và Nga. Nga - thành viên quan trọng của OPEC +, và Brazil là hai nước xuất khẩu dầu ròng, trong khi 3 nước còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Trung Quốc chủ động quản lý tỷ giá hối đoái còn 4 nước kia ít can thiệp hơn.

Tất cả những điều này làm phức tạp thêm nỗ lực thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu của khối. Ý tưởng một loại tiền tệ dự trữ chung của BRICS gặp trở ngại vì không thành viên nào từ bỏ quyền lực do ngân hàng trung ương của họ nắm giữ. Họ thường xuyên bảo vệ quyền lực của riêng mình tại các thể chế kinh tế khác.

NDB có một khởi đầu chậm chạp. Tổng số tiền cho vay kể từ năm 2015 chỉ bằng một phần ba so với những gì World Bank cam kết trong năm 2021. Theo Daniel Bradlow của Đại học Pretoria (Nam Phi) lưu ý World Bank minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn. Việc NDB chủ yếu phát hành các khoản vay bằng USD hoặc euro phần nào làm suy yếu tuyên bố của các thành viên rằng họ đang cố gắng giảm sức mạnh của đồng bạc xanh.

Trong nội bộ, có thể xuất hiện tiếng nói bất đồng quan trọng của Ấn Độ trong vài số quyết định. Theo Harsh Pant, Phó chủ tịch tổ chức tư vấn Observer Research Foundation trụ sở ở Delhi, trong những ngày đầu lập khối, Ấn Độ nghĩ rằng với sự giúp đỡ của Nga, họ có thể ứng phó với Trung Quốc tốt hơn.

Nhưng giờ khi Nga còn nhờ cậy vào Trung Quốc. Và Ấn Độ lo lắng về một số ứng viên như Cuba và Belarus, cũng có thể trở thành các phiên bản nhỏ của Nga, tức nương theo Trung Quốc. Theo Economist, Ấn Độ đang chạy đua với Trung Quốc trong việc giành quyền lãnh đạo các quốc gia đang phát triển. Nhưng họ cũng không muốn thành người gây rắc rối. Vì vậy, nước này đang bước đi thận trọng, muốn thảo luận về các tiêu chí tham gia cho các thành viên mới kỹ hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
0.60 +0.10 (+20.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả