Bông Việt Nam có gì trước khi Vinatex thoái vốn?
Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 2,75 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty CP Bông Việt Nam (tương đương 55% vốn điều lệ).
Việc thoái vốn sẽ được thực hiện thông qua hình thức bán đấu giá công khai với giá khởi điểm 22.500 đồng/CP, cao hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu BVN của Công ty CP Bông Việt Nam (gọi tắt là Bông Việt Nam) trên sàn chứng khoán.
Kết quả kinh doanh khiêm tốn
Công ty CP Bông Việt Nam tiền thân là Công ty Bông Trung ương được thành lập tháng 1/1978. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức cổ phần từ tháng 6/2007. Hiện Bông Việt Nam có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, mua bán bông xơ, sợi bông, vật tư nông nghiệp…
Ngoài cổ đông nắm quyền chi phối là Vinatex, một cổ đông lớn khác liên tục “gom” cổ phần Bông Việt Nam trong 2 năm gần đây là Công ty CP Lương thực Vật tư Nông nghiệp Đắk Lắk. Hiện tại, cổ đông này đang nắm giữ 20,04% vốn điều lệ Bông Việt Nam.
Về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của Bông Việt Nam trong 4 năm trở lại đây (2015 - 2018) cho thấy sự đi xuống rõ rệt. Nếu như năm 2015, Công ty báo lãi ròng 7,3 tỷ đồng, thì con số này đã giảm xuống 6,2 tỷ đồng năm 2016 (giảm 15% so với năm 2015) và 4,4 tỷ đồng năm 2017 (giảm 30% so với năm 2016). Năm 2018, Công ty ghi nhận 255,3 tỷ đồng doanh thu thuần, gần như không đổi so với 2017, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2017.
Đến nay Công ty chưa công bố kết quả kinh doanh các quý năm 2019 nhưng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 4/2019, lãnh đạo Công ty cho biết, bất lợi trong kinh doanh với Công ty vẫn chưa hề giảm. Cụ thể, giá dầu thế giới giảm làm giá sợi giảm và tồn đọng hàng, kéo theo kinh doanh bông thêm khó khăn. Bên cạnh đó, ngành dệt may nói chung và Công ty nói riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền. Do đó, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng dệt may. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng.
Sở hữu nhiều mảnh đất đẹp
Dù có kết quả kinh doanh khiêm tốn và đang gặp phải nhiều khó khăn nhưng Bông Việt Nam lại đang quản lý nhiều mảnh đất có vị trí đắc địa. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến cổ đông lớn Vinatex đưa ra mức giá khởi điểm là 22.500 đồng/CP, cao hơn 88% so với thị giá cổ phần Bông Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Tại Đại hội đông cổ đông thường niên 2019 diễn ra vào tháng 4/2019, Ban lãnh đạo Công ty cho biết: “Giá cả thị trường về đất đai tăng vọt đã tạo cơ hội cho giá trị tài sản của Công ty tăng, nhất là đất tại Long Thành và trụ sở của Công ty”.
Trong số những khu đất Bông Việt Nam đang quản lý và sử dụng, đáng chú ý là 7.788,8 m2 đất tại thửa đất số 208 tờ bản đồ số 17, xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai. Bởi lẽ Long Thành hiện là điểm nóng trên thị trường bất động sản khi hạ tầng, môi trường kinh tế của khu vực này đang trên đà phát triển song hành với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ngoài ra, phải kể đến khu đất 9.587,3 m2 tại Hòn Nghê, phường Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa; 30.662 m2 đất tại xã Thới Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương…
Vinatex dự kiến thực hiện thoái toàn bộ vốn tại Bông Việt Nam trong năm nay hoặc quý I/2020. Nếu phiên đấu giá thành công, Vinatex sẽ thu về ít nhất gần 62 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường