Bộ Xây dựng: Tháo gỡ “nút thắt” trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng để đẩy mạnh đầu tư công
Từ năm 2021, công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng đã gỡ nhiều nút thắt quan trọng, tạo sự phân cấp mạnh mẽ, giảm thủ tục, thời gian thực hiện và nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia. Trong không khí đầu xuân năm mới, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) để thấy rõ hơn những tích cực ấy.
PV: Thưa ông, ngày 09/02/2021 Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (gọi tắt Nghị định số 10/2021/NĐ-CP). Xin ông cho biết sau gần một năm triển khai có những thuận lợi và khó khăn gì?
Theo đó, trên cơ sở đánh giá gần một năm triển khai thực hiện, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP được ban hành đã tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi cho các chủ thể có liên quan triển khai thực hiện; giảm bớt các thủ tục, bảo đảm việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Việc quy định về xử lý chuyển tiếp tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP chi tiết, đầy đủ, bao trùm được các trường hợp đã đảm bảo cho việc triển khai các dự án không bị gián đoạn.
Nhìn chung, việc triển khai Nghị định số 10/2021/NĐ-CP cho đến thời điểm hiện nay cơ bản không có khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ. Tuy nhiên, do Nghị định có nhiều điểm mới so với trước đây nên để triển khai có hiệu quả, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh cần chủ động thực hiện tốt trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý các định mức kinh tế - kỹ thuật cho các công tác đặc thù của chuyên ngành, của địa phương và việc tổ chức công bố giá xây dựng để phục vụ kịp thời công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.
PV: Xin ông cho biết một số điểm mới của Nghị định này so với Nghị định số 68/2019/NĐ-CP?
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP tạo sự linh hoạt hơn trong việc lựa chọn phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng; quy định chi tiết và rõ hơn về các nguyên tắc xây dựng, quản lý hệ thống định mức xây dựng, hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình. Bên cạnh đó, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP đã chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác so với trước đây, như: Bổ sung quy định về thuê tư vấn nước ngoài, sửa đổi phạm vi chi phí quản lý dự án, sửa đổi quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng… Đặc biệt, việc quy định về xử lý chuyển tiếp đã bao quát các trường hợp trong thực tế, hạn chế tối đa những khoảng trống trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là việc áp dụng, tham khảo định mức xây dựng, giá xây dựng công trình đã công bố để lập và quản lý chi phí trong thời gian các Bộ, địa phương thực hiện rà soát để ban hành, công bố theo quy định.
PV: Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các cá nhân và doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng do ảnh hưởng của giãn cách xã hội do dịch Covid-19, ông có đề xuất gì?
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc theo dõi, kiểm soát diễn biến, ổn định thị trường xây dựng đặc biệt là đối với giá nguyên, vật liệu xây dựng; các địa phương cần công bố kịp thời, sát với mặt bằng thị trường giá vật liệu xây dựng, giá nhân công, giá ca máy… để phục vụ cho công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý hợp đồng xây dựng; ban hành các quy định để hướng dẫn các doanh nghiệp vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trên công trường xây dựng… Cũng rất mừng là, tại Kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Với chính sách mới này cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, nhiều “nút thắt” về thể chế trong thời gian vừa qua đã được tháo gỡ, chúng tôi hy vọng năm 2022 sẽ là một năm thành công về phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, trong đó có đóng góp quan trọng của hoạt động đầu tư lĩnh vực xây dựng.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận