Bộ Xây dựng chưa nghiệm thu, nhà máy sông Đuống vẫn bán nước cả năm trời
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định đến nay Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống – chủ đầu tư dự án cho biết, nhà máy đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 đến nay, với mức giá tạm tính là 7.700 đồng/m3.
Chưa chấp thuận kết quả nghiệm thu
Như VietNamNet thông tin, 4 ngày trước lễ khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn I (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đề nghị Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình này do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Nêu tại văn bản này, Cục Giám định cho biết, công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.
Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện để nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng.
“Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32, Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng”, văn bản nêu rõ.
Nhưng chỉ 4 ngày sau khuyến nghị của Cục Giám định, ngày 5/9, nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành rầm rộ. Đến 13/10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này.
Đến thời điểm hiện tại, trao đổi với VietNamNet, Cục Giám định khẳng định: Chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và các pháp luật có liên quan thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
Được biết, đối với công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã tiến hành một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I (bao gồm IA và IB) và đã thông báo kết quả kiểm tra gửi chủ đầu tư.
“Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyên ống,... Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư”, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng khẳng định.
Về việc lựa chọn vật liệu ống cho công trình, cơ quan của Bộ Xây dựng cho hay, đối với dự án này, có 3 loại ống cấp nước là ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE. Việc lựa chọn cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng, cụ thể trong trường hợp này là vật liệu ống cấp nước thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan. Các cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng đưa vào sử dụng trong công trình phải đảm bảo các các yêu cầu kỹ thuật theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt và các quy định pháp luật có liên quan.
Cũng theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, do chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng như đã nêu trên, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước (gang dẻo), nên Cục này sẽ có ý kiến sau khi nhận được đầy đủ các hồ sơ của chủ đầu tư.
“Sau khi chủ đầu tư hoàn thành đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng gửi về Bộ phận một cửa của Bộ Xây dựng, Cục Giám định sẽ xem xét các hồ sơ, tài liệu giải trình và sẽ có văn bản về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định”, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nói.
Vì sao giá nước nhà máy sông Đuống đắt hơn sông Đà?
Được biết, nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, tổng công suất dự kiến là 1.200.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn I đã khánh thành ngày 5/9 với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công suất 300.000m3/ngày đêm.
Với tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), nhiều ý kiến đưa ra đánh giá là "đắt đỏ" hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác. Như nhà máy nước Sông Đà được đầu tư 10 năm trước cũng với công suất 300.000m3/ngày đêm trong khi vốn đầu tư chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó, mức giá tạm tính mỗi mét khối nước của nhà máy lên tới 10.264 đồng được cho là đang gấp đôi so với giá của một số nhà máy nước hiện nay của Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, trong thông cáo gửi VietNamNet, chủ đầu tư cho biết, trong thời gian phát nước phục vụ bà con Thủ đô từ tháng 10/2018 đến giờ, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đang áp dụng mức giá tạm tính là 7,700đ/m3. Còn mức giá nước được phê duyệt từ tháng 10/2017 là: 10.246 đồng/m3. Trong khi đó, hiện mức giá bán của nước sông Đà là: 5.069,76 đồng/m3.
Lý giải việc giá bán nước của nhà máy sông Đuống cao hơn sông Đà, ông Tạ Đức Hoàng, Tổng Giám đốc Nhà máy nước sông Đuống cho biết, việc so sánh hiệu quả và giá nước giữa các nhà máy phải được đưa về cùng thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và vận hành hoạt động.
Theo ông Hoàng, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô công suất 300.000 m3/ngày đêm, tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ (Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 521 tỷ và tuyến ống dài hơn 35 km so với tuyến ống sông Đà, sử dụng nguồn vốn vay thương mại). Từ việc quy mô đầu tư lớn, khấu hao và lãi vay lớn hơn, chủ đầu tư cho rằng, chi phí giá nước sạch được tính đúng, tính đủ sẽ cao hơn so với nước sông Đà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận