Bộ đôi cổ phiếu họ Vin cùng HPG giúp VN-Index giữ vững sắc xanh
Hai chỉ số thị trường trải qua tuần 06/11-10/11/2023 tích cực dù điều chỉnh ở phiên cuối tuần. Cụ thể, VN-Index khép lại tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức 2.31% so với cuối tuần trước, kết thúc tuần tại 1,101.68 điểm. Còn với HNX-Index, chỉ số tăng 4.09%, lên mức 226.65 điểm.
Cùng với đà tăng về mặt điểm số, thanh khoản của hai sàn được gia tăng đáng kể so với tuần trước. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 873 cp/phiên, tăng 25%. Tương tự, thanh khoản bình quân trên sàn HNX tăng 10%, lên gần 112 triệu cp/phiên.
Tuần qua, thông tin đáng chú ý trong nước là Quốc hội đã thông qua các mục tiêu Kinh tế - Xã hội năm 2024 với tăng trưởng GDP 6%-6.5%, lạm phát 4%-4.5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4,700-4,730 USD.
Ở quốc tế, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Thông tin đáng chú ý khác, hơn 1 tuần sau cuộc họp chính sách tháng 11/2023, ông Powell chia sẻ Fed đã chuẩn bị cho phương án tiếp tục tăng lãi suất nếu cần thiết để đưa lạm phát tại Mỹ về mức mục tiêu 2%.
Xét mức độ đóng góp, VIC, HPG và VHM là top 3 mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index trong tuần qua. Số cổ phiếu này giúp chỉ số kéo tăng hơn 7.3 điểm, riêng VIC mang về gần 3.3 điểm của chỉ số - cao nhất cả sàn.
Sự hứng khởi của bộ đôi cổ phiếu "họ Vin" trong tuần qua đến ngay sau thông tin về cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Vingroup - Phạm Nhật Vượng với tỷ phú người Ấn Độ Gautam Shantilal Adani - người giàu thứ 23 thế giới vào ngày 08/11, cùng thảo luận về những cơ hội kinh doanh tiềm năng giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Về phía HPG, động lực từ khối ngoại góp phần không nhỏ đưa cổ phiếu này hồi phục sau nhịp điều chỉnh kéo dài từ đầu tháng 9. Sau nửa tháng, thị giá HPG đã tăng 16%, vốn hóa thị trường tăng thêm 21,000 tỷ đồng lên hơn 154,000 tỷ đồng.
Khối ngoại đảo chiều mua ròng cổ phiếu HPG lại rơi vào thời điểm Doanh nghiệp này liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực gần đây. Trong quý 3/2023, HPG báo lãi ròng 2,000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1,786 tỷ đồng. Hơn nữa, sản lượng bán thép của Công ty cũng đang hồi phục mạnh mẽ. Tháng 10, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, phôi thép của HPG đạt 635,000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Trong hai ngày 01 và 06/11, bà Vũ Thị Hiền và ông Trần Đình Long – Chủ tịch HPG đã chuyển nhượng lần lượt hơn 16.3 triệu cp và 26.5 triệu cp HPG cho con trai là ông Trần Vũ Minh. Các giao dịch trên được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị giao dịch 970 tỷ đồng. Sau giao dịch, gia đình ông Long và các công ty có liên quan đang sở hữu hơn 2 tỷ cp HPG, tỷ lệ 35.07%.
Trở lại mức độ ảnh hưởng, ở nhóm tích cực và tiêu cực, nhóm ngân hàng đều góp mặt 4 đại diện. Cụ thể, nhóm kéo tăng có sự tham gia của các mã CTG, VPB, BID và MBB đã kéo tăng gần 4.9 điểm cho chỉ số.
Trong khi đó, ở nhóm kéo giảm có 4 cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, SSB, OCB và MSB, đã làm mất 4.4 điểm của chỉ số, trong đó VCB kéo giảm gần 4 điểm – cao nhất cả sàn và lớn hơn tổng của 9 mã xếp sau.
Thông tin đáng chú nhất tuần qua của Vietcombank là việc Ngân hàng này ngày 10/11 tiếp tục thông báo thay đổi biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, giảm 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn. Lần gần nhất ngân hàng này giảm lãi suất huy động là 20/10.
Sắc xanh tiếp tục bao trùm lên rổ VN30 trong tuần qua khi có tới 23 mã kéo tăng, trong khi đó chỉ 7 mã kéo giảm. Dẫn đầu nhóm tích cực đến chỉ số là 3 mã FPT, HPG và VIC kéo tăng từ 4-5 điểm. Ở nhóm kéo giảm, VCB là cổ phiếu tiêu cực nhất làm mất hơn 1.5 điểm của chỉ số.
Đối với HNX-Index, chỉ số này lấy lại được đà tăng trong tuần qua, chủ yếu do SHS kéo tăng hơn 1.3 điểm, tiếp theo là IDC hơn 0.9 điểm, MBS khoảng 0.7 điểm. Ở phía ngược lại, dẫn đầu nhóm kéo giảm là KSV nhưng giá trị chỉ vỏn vẹn 0.1 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận