24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vạn Lịch
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Công Thương chỉ phạt tiền, chưa rút giấy phép 5 DN đầu mối xăng dầu

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc tước quyền kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu của 5 DN đầu mối do không đáp ứng được điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định.

Chiều tối 6/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8/2022. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp. Nhiều vấn đề liên quan đến thị trường xăng dầu trong nước được đại diện Bộ Công Thương giải đáp.

Xử nghiêm nhưng lưu ý khó khăn của DN

Trả lời câu hỏi về việc thanh tra Bộ Công Thương vừa tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của 5 doanh nghiệp đầu mối lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói "đây là hành động kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp đầu mối cũng như hệ thống của họ".

5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép gồm: Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng, trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và công ty con với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết cũng có 5 quyết định xử phạt bổ sung tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong một tháng với 5 thương nhân đầu mối.

"Quyết định tước quyền kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định", ông nói.

Bộ Công Thương chỉ phạt tiền, chưa rút giấy phép 5 DN đầu mối xăng dầu
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương mới chỉ xử phạt hành chính, chưa rút giấy phép kinh doanh của 5 DN đầu mối xăng dầu (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo người phát ngôn Bộ Công Thương, 5 doanh nghiệp nếu bị tước sẽ không còn quyền thực hiện mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu, mua bán xăng dầu cho các đơn vị phân phối, xuất nhập khẩu…

"Trước mắt Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép kinh doanh sẽ áp dụng vào một thời điểm phù hợp nhất", ông Hải nói.

Ông Hải cho rằng, phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kể cả doanh nghiệp đầu mối nhưng cũng phải lưu ý đến khó khăn của các doanh nghiệp và quan trọng là đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân.

Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Công Thương chưa thi hành ngay quyết định rút giấy phép 5 đầu mối xăng dầu.

Vì sao giá dầu lần đầu tiên cao hơn giá xăng?

Sau lần điều chỉnh giá ngày 5/9, lần đầu tiên trong lịch sử giá bán lẻ với dầu diesel đắt hơn giá xăng. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 366 đồng/lít, xuống 23.359 đồng/lít; xăng RON95 giảm 439 đồng/lít còn 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đồng loạt tăng từ 1.389 - 1.429 đồng/lít, bán ra ở mức 25.188 - 25.445 đồng/lít, riêng diesel có giá 25.188 đồng/lít.

Về nội dung này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, dưới góc độ của Bộ Công Thương, cả hai loại giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh ngày 5/9 đều cao. “Quan điểm của chúng tôi là mong muốn giá xăng dầu đều thấp hơn nữa để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp”, ông nói.

Theo ông Hải, lâu nay thị trường xăng dầu trong nước vẫn quen với việc giá bán lẻ dầu diesel và dầu hoả thấp hơn giá xăng.

Nói thêm về nguyên nhân khiến giá dầu cao hơn giá xăng, Thứ trưởng cho biết, thị trường thế giới từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột giữa Nga – Ukaraine nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm, dẫn đến nhu cầu diesel và dầu hoả tăng điều này nhằm thay thế cho nhu cầu về khí đốt, điều này khiến cho giá sản phẩm dầu tăng cao, ở mức giá tương đương hoặc cao hơn giá xăng.

Trung bình trên thế giới, bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng, trong khi giá dầu ở mức 143 USD/thùng. Trong nước, do trong cơ cấu giá xăng và dầu các mức thuế chi phí kinh doanh định mức rất khác nhau. Thực tế, thuế nhập khẩu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0,72%, thuế nhập khẩu xăng là 9,7%; thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0% và xăng là 8-10%. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước vẫn cao hơn giá dầu.

“Tuy nhiên, kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua, do giá xăng và giá dầu trên thế giới có sự biến động lớn, giá dầu cao hơn giá xăng từ 30-35 USD/thùng, khiến giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng. Chúng tôi rất chia sẻ với những nhóm đối tượng sử dụng dầu, chủ yếu là nhóm ngành vận tải, ngư dân”, ông Hải nói và nhấn mạnh rằng, giá xăng dầu được điều hành theo nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.

Ngày 12/8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 5142 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ liên quan như Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp để nghiên cứu tham mưu biện pháp về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho những đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân..

“Điều này để thấy, ngoài điều hành giá xăng dầu theo thị trường thì vẫn có các biện pháp khác để hỗ trợ nếu giá xăng dầu”, Thứ trưởng nêu rõ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả