24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Lộc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ông Trịnh Văn Quyết: Các ngân hàng lên tiếng

Thông tin tới Dân Việt, đại diện một số ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, ngân hàng đã nhận được văn bản từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an yêu cầu phối hợp cung cấp các thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết để phục vụ công tác điều tra

Ngoài cá nhân ông Trịnh Văn Quyết, theo đại diện của các ngân hàng, cơ quan điều tra cũng đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của một số cá nhân khác, trong đó có bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS và Trịnh Thị Minh Huế, thành viên ban kế toán Tập đoàn FLC. Đây là 2 em gái của ông Trịnh Văn Quyết.

Được biết, 8 ngân hàng được nhắc tên gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).

Trao đổi với Dân Việt, đại diện của các ngân hàng này cho biết, thông tin được cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp bao gồm: hồ sơ mở tài khoản; thông tin tài khoản thanh toán, tiết kiệm, tiền vay (VND và ngoại tệ); sao kê tài khoản; sổ phụ tài khoản, chứng từ giao dịch (các bút toán giao dịch ký, nhận, chuyển tiền) của ông Trịnh Văn Quyết.

"Khối quản trị rủi ro đang xử lý thông tin liên quan. Văn bản này liên quan đến thông tin về mặt cá nhân ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân khác. Bên ngân hàng không có quan hệ giao dịch nào đối với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết và tập đoàn FLC, thậm chí ngay cả với Tân Hoàng Minh. Ngân hàng sẽ thực hiện theo đúng yêu cầu phối hợp của cơ quan chức năng và sẽ có văn bản gửi lên tới các cơ quan có liên quan", đại diện một ngân hàng cho hay.

Trao đổi với Dân Việt, đại diện một ngân hàng khác cho hay không phải có quan hệ tín dụng với ông Trịnh Văn Quyết hay các cá nhân liên quan mới nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng.

"Cứ ngân hàng nào ông Trịnh Văn Quyết mở tài khoản này đều sẽ nhận được công văn để hợp tác điều tra. Đây là việc hết sức bình thường, bởi theo nguyên tắc ngân hàng phải giữ bí mật của khách hàng, cơ quan điều tra muốn biết thông tin số dư tài khoản, lịch sử giao dịch, quan hệ vay mượn,... thì phải có văn bản yêu cầu theo quy định. Ngân hàng không cung cấp thì cơ quan điều tra sẽ không nhìn vào giao dịch tài khoản để điều tra ông Trịnh Văn Quyết được", vị này cho hay.

Một số đại diện khác đều thừa nhận, ngân hàng vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng, đây đều là những thông tin liên quan đến cá nhân khách hàng, vì vậy ngân hàng sẽ không thể công bố thông tin rộng rãi ra công chúng, chỉ cung cấp cho các cơ quan phục vụ điều tra theo văn bản yêu cầu

Trước đó, ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra.

Hai em gái ông Quyết cũng đã bị C01 bắt tạm giam để điều tra về cùng tội danh.

Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ông Trịnh Văn Quyết: Các ngân hàng lên tiếng
Lực lượng chức năng làm việc tại tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết tối 29/3. (Ảnh: DV)

Theo xác minh ban đầu, từ ngày 1/12/2021 đến 10/1, ông Quyết đã chỉ đạo các cá nhân điều hành Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất cao, tạo ra cung cầu giả. Từ đây, giá cổ phiếu được đẩy lên cao.

Nhóm ông Quyết đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Họ bị cho rằng đã thao túng để cổ phiếu liên tục tăng trong nhiều phiên, "lùa" nhà đầu tư. Hành vi tạo cung cầu giả này đã "tạo đòn bẩy" giúp giá cổ phiếu FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu lên mức 24.000 đồng, tăng hơn 64%.

Khi giá được đẩy lên giá "trần", ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo người thân đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu với giá 22.586 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, ông Quyết lại không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán. Tổng số tiền ông Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là 1.689 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 530 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra và ra quyết định xử phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và và đình chỉ 5 tháng giao dịch đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Mới đây, quyết định xử phạt hành chính cũng được hủy bỏ với lý do cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
3.50 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả