BMP - Điểm sáng của ngành nhựa
CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) là doanh nghiệp dẫn đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa, với tình hình tài chính lành mạnh và chất lượng sản phẩm dẫn đầu thị trường công ty được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Ngành nhựa duy trì đà tăng trưởng
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), ngành nhựa Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, với mức tăng hàng năm từ 16% - 18%/năm (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may) trong giai đoạn 2010-2015. Tốc độ này đã giảm bớt trong những năm gần đây nhưng vẫn còn khá cao.
Sản lượng nhựa sản xuất năm 2019 đạt 8.9 triệu tấn, tăng trưởng 7.2% so với năm 2018. Theo báo cáo của tổ chức Business Monitor International (BMI), mặc dù bước vào giai đoạn chững lại nhưng ngành nhựa Việt Nam vẫn duy trì sản lượng với đà tăng trưởng trung bình 6.5% trong giai đoạn 2019-2022.
Cũng theo BMI, trong giai đoạn 2019-2022, xây dựng nhà ở và xây dựng hạ tầng nước được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 6.7% và 7.3% tạo động lực tăng trưởng cho mảng nhựa xây dựng. Đây cũng là mảng hoạt động chính của BMP.
Hưởng lợi từ các hiệp định thương mại và giá nguyên liệu giảm
Các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia đều bao gồm các đối tác quan trọng với ngành nhựa Việt Nam cả về nguyên liệu nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt khi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt được mở rộng và thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, ngành nhựa là một trong những ngành có được hưởng lợi khi giá dầu liên tục giảm sâu trong suốt thời gian qua. Từ đầu tháng 03/2020 đến nay, giá dầu WTI (West Texas Intermediate) thường xuyên duy trì dưới mức 40 USD/thùng. Giá hạt nhựa nhờ đó cũng giảm theo.
Kết quả kinh doanh ổn định
Doanh thu của BMP tăng trưởng đều trong giai đoạn 2014-2019. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại giảm trong giai đoạn gần đây. Năm 2019, doanh thu tăng 10.64% đạt 4,337 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm nhẹ 1.15% so với cùng kỳ năm trước.
Dưới tình hình biến động phức tạp của kinh tế thế giới thì hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, BMP hoạt động khá khả quan khi sản lượng tiêu thụ quý 1/2020 tăng 10.1% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong quý 1/2020, doanh thu và lợi nhuận ròng đạt mức 1,020 và 102 tỷ đồng tăng lần lượt 9.56% và 12.09%.
Định giá cổ phiếu
Do BMP đang là cổ phiếu đầu ngành nên người viết chủ yếu sử dụng các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới (trừ NTP) có quy mô bằng hoặc lớn hơn BMP để làm cơ sở tính giá trị hợp lý của cổ phiếu.
Để đảm bảo tính phù hợp, các doanh nghiệp được chọn đa phần nằm trong khu vực Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…).
Với tỷ trọng tương đương giữa ba phương pháp P/E, P/B và DDM, chúng ta tính được mức định giá hợp lý của BMP là 66,975 đồng.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể canh mua cho mục tiêu đầu tư dài hạn nếu giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức 46,900 (chiết khấu khoảng 30% so với giá trị định giá).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận