Blog chứng khoán: Tiền vẫn kéo chỉ số, nhiều cổ phiếu bắt đầu yếu
Nhịp điều chỉnh lẽ ra có thể khiến thị trường yếu đi rõ rệt hôm nay, nếu không có “biến số” là cổ phiếu ngân hàng. Đợt bùng nổ về cuối được các blue-chips dẫn dắt hoàn toàn, các chỉ số lên tốt dù độ rộng tệ nhất trong 4 phiên trở lại đây.
Tỷ lệ tăng/giảm của cổ phiếu trong rổ chỉ số thay đổi thường là tín hiệu của sự phân hóa, một ý nghĩa nào đó là giảm sức mạnh của chỉ số. Tuy nhiên với cách tính như VNI thì trọng số vốn hóa mang tính quyết định, nên điểm số hoàn toàn có thể phản ánh lên bề mặt hoàn toàn khác. Hôm nay là một dạng như vậy, khi điểm số tăng không khác biệt nhiều 2 phiên trước nhưng tỷ lệ tăng/giảm lại kém đi đáng kể.
Sự thay đổi ngầm này chưa phải là xấu, nhưng nên chú ý. Việc quan sát chỉ số không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sức mạnh chung. Vẫn sẽ có nhiều cổ phiếu bị chốt lời và quay đầu giảm, bất chấp chỉ số tăng tốt. Khi xu hướng chung – phản ánh qua chỉ số đại diện – vẫn tốt nhưng cổ phiếu lại suy yếu thì tình thế sẽ càng tệ hơn nếu chỉ số quay đầu. Đây là trạng thái ngược với giai đoạn tạo đáy vừa rồi khi chỉ số vẫn cứ giảm còn cổ phiếu lại không tạo đáy sâu thêm mà đi ngang hoặc tăng.
Dĩ nhiên vẫn có một khả năng là các cổ phiếu suy yếu hôm nay là do áp lực chốt lời bão hòa ngắn hạn, khi dòng tiền hấp thụ xong, tạo mặt bằng giá ổn định vài phiên thì lại tăng tiếp. Do đó đây chỉ là tín hiệu cần chú ý, chứ chưa phải là tín hiệu để thoát hàng, cần các tín hiệu khác để xác nhận. Điều quan trọng là nên quan sát kỹ cung cầu ở từng mã, không có chiến lược giao dịch chung nào. Có cổ phiếu có thể chốt lời dần, có mã vẫn còn cửa tăng tiếp.
Hiện tượng phân hóa có thể khiến các cổ phiếu luân phiên tăng giá xen kẽ nhịp nghỉ ngắn hạn vài phiên chừng nào dòng tiền vào vẫn ổn định. Hiện các nhịp điều chỉnh intraday vẫn có thanh khoản nhỏ, chiều tăng thanh khoản lớn. Thanh khoản khớp lệnh 2 sàn hôm nay tương đương phiên trước, khoảng 19,1k tỷ, vẫn duy trì cao hơn mức bình quân. Dù vậy cũng cần lưu ý là sự bù đắp thanh khoản đến từ cổ phiếu ngân hàng, số còn lại nhiều mã bắt đầu giảm thanh khoản. Hiện VNI đang tiến về vùng đỉnh 1300 và nếu có rung lắc trong vùng này thì ảnh hưởng tâm lý sẽ mạnh hơn, do nhiều người vẫn nhìn chỉ số để ra quyết định. Một khả năng nữa là vùng phân phối sẽ xuất hiện sau khi VNI vượt đỉnh, vì đó là lúc tâm lý hưng phấn nhất, dòng tiền sẽ được kích thích mạnh nhất.
Thị trường phái sinh hôm nay nửa đầu thì phản ánh tâm lý thận trọng khi F1 chấp nhận chiết khấu rất rộng, nửa sau thì phải trả giá cho chính basis đó. Buổi sáng VNI dao động lên 1307.xx và từ mức này xuống 1300.xx F1 thay đổi không nhiều do basis co giãn là chính. Tuy nhiên ở nhịp đi lên thứ 2, F1 đã phát tín hiệu sớm bằng basis hẹp lại và thanh khoản trên phái sinh tăng, biểu hiện của hoạt động tích lũy vị thế Long. Khi nhóm ngân hàng được kéo mạnh, VN30 tăng nhanh và F1 lần này cũng bám khá sát. Sức mạnh của cổ phiếu ngân hàng luôn ảnh hưởng rất nhiều tới VN30 và chỉ số vượt cả 1307.xx lẫn 1315.xx. Tiếc rằng đoạn cuối thời gian quá ít, VN30 không lên tới được 1319.xx dù cao nhất cũng đã tới 1318.19.
Nhóm ngân hàng đang đưa các chỉ số quay trở lại vùng đỉnh và sẽ quyết định khả năng vượt đỉnh hay không. Vì vậy các phiên tới phái sinh sẽ phải quan sát chặt chẽ nhóm này. Chiến lược là Long/Short linh hoạt, canh chốt cổ phiếu.
VN30 đóng cửa hôm nay tại 1317.69. Cản gần nhất ngày mai là 1319; 1327; 1337; 1341; 1349. Hỗ trợ 1315; 1307; 1301; 1290; 1281.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận