menu
Biến động hệ thống tiền tệ thế giới và hàm ý với Việt Nam
Hoàng Việt Nữ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Biến động hệ thống tiền tệ thế giới và hàm ý với Việt Nam

Kể từ hội nghị Breton Wood đến nay, đôla Mỹ (USD) vẫn đang là đồng tiền thống trị trong giao dịch thương mại toàn cầu và hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT là định chế đặc biệt củng cố vai trò của đồng tiền này. Ai là người nắm giữ quyền phát hành tiền của thế giới, người đó đương nhiên trở thành người thống trị thế giới về mặt kinh tế, bởi các chính sách tiền tệ của quốc gia đó sẽ ảnh hưởng và chi phối rất lớn với phần còn lại của thế giới...

Quyền lực này ngày nay quá dễ nhận biết khi mà chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) luôn trở thành tâm điểm chú ý và tầm ảnh hưởng của việc tăng hay giảm lãi suất của Fed có thể kéo thế giới đến ranh giới của thái cực suy thoái hay tăng trưởng.

Tuy nhiên, việc Mỹ loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT đã thúc đẩy Nga liên kết với các cường quốc mới nổi để hình thành các hệ thống thanh toán quốc tế mới, nơi mà không có đồng USD ngự trị, và hình thành nên xu hướng phi đô la hóa trên toàn thế giới. Nhóm BRICS+ với 10 thành viên tham gia hiện tại và dự kiến sẽ tiếp tục kết nạp thêm các thành viên mới đang trở thành một đối trọng kinh tế, tài chính với Mỹ và các nước đồng minh.

Biến động hệ thống tiền tệ thế giới và hàm ý với Việt Nam

CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA SWIFT & BRICS pay

Hiện tại, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang chiếm 45% dân số cùng 30% diện tích thế giới và 2 ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các con số này cho thấy vai trò ngày càng lớn của BRICS đối với phần còn lại của thế giới và sẽ là đối trọng với Mỹ trong tương lai.

Kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước trong nhóm BRICS đã tăng cường mua vàng dự trữ thay vì đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối của mình, điều này làm giá vàng thế giới tăng mạnh trong suốt thời gian qua và xu hướng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng bởi các bất ổn địa chính trị toàn cầu và nỗ lực gia tăng xu hướng phi đô la hóa ở một số quốc gia.

Bên cạnh đó, việc các quốc gia Trung Đông tham gia nhóm BRICS và chấp nhận thanh toán dầu mỏ bằng các đồng tiền khác đang là một thách thức rất lớn đối với Mỹ. Đồng USD có được vị thế ngày hôm nay là nhờ thỏa thuận với các nước Trung Đông trước kia khi các giao dịch bán dầu mỏ Trung Đông phải được thanh toán bằng đồng USD. Điều này làm cho các quốc gia trên toàn thế giới phải dự trữ đồng USD để mua dầu từ các nước Trung Đông. Chính vì thế, động thái này có thể làm suy yếu đồng USD trong tương lai và giảm dần vị thế độc tôn của đồng USD trong thanh toán quốc tế.

Tuy nhiên, chắc chắn Mỹ sẽ không ngồi yên. Chúng ta có thể thấy nguyên nhân của các cuộc Chiến tranh thế giới I, II đều là do sự trỗi dậy của các cường quốc mới nổi và mong muốn phân chia lại trật tự thế giới với các cường quốc hiện hữu. Bối cảnh thế giới hiện nay cũng tương tự khi mà Mỹ và châu Âu đã thống trị về mặt kinh tế khá lâu kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Nhóm các cường quốc mới nổi với sự phát triển vượt bậc về kinh tế đang dần chứng tỏ vai trò và tầm ảnh hưởng của mình đối với kinh tế thế giới. Nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ khó xảy ra bởi nó sẽ gây ra thảm họa diệt vong của toàn nhân loại. Thay vào đó, hình thái cuộc chiến phân chia tranh giành quyền lực sẽ chuyển sang “chiến trường” kinh tế và tiền tệ hơn là răn đe vũ khí hủy diệt.

Chiến tranh thương mại đã nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018 và đến nay vẫn còn âm ỉ. Một cuộc chiến tiền tệ nhiều khả năng sẽ nổ ra trong thời gian tới khi mà nhóm BRICS công bố về hệ thống thanh toán quốc tế mới thay cho SWIFT và đồng USD.

Mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế 100% lên nhóm này nếu họ làm điều đó. Đây có thể là một cuộc chiến không tiếng súng nhưng sẽ gây ra rất nhiều thương vong về mặt kinh tế và tài chính bởi sự đối đầu không khoan nhượng của các thế lực đang mong muốn kiểm soát tiền tệ thế giới.

Hội nghị BRICS mở rộng vừa qua có sự tham gia của đông đảo các quốc gia trên thế giới. BRICS chưa công bố về một đồng tiền chung và hệ thống BRICS pay vẫn còn khá chung chung, nhưng nội dung của hội nghị đã chứng minh rằng việc công bố hệ thống BRICS pay để làm đối trọng với hệ thống SWIFT chỉ còn là vấn đề thời gian. Việc có ra được đồng tiền chung BRICS hay không thì còn tùy thuộc vào việc giải quyết các bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong khi khả năng 2 cường quốc này tìm được tiếng nói chung là mong manh. Thực tế cho thấy Ấn Độ cũng không quá vội vã phải cần có một đồng tiền thay thế đồng USD khi mà quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn đang tốt như hiện nay.

NHẤT QUÁN ĐƯỜNG LỐI ĐA PHƯƠNG

Việt Nam là một trong những khách mời danh dự tại Hội nghị BRICS mở rộng (năm 2024) và là một trong những ứng viên sáng giá để tham gia vào BRICS trong thời gian tới. Hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu chủ lực từ Trung Quốc và xuất siêu kỷ lục sang Mỹ, hai đối tác chiến lược lớn nhất của Việt Nam về thương mại hiện nay.

Biến động hệ thống tiền tệ thế giới và hàm ý với Việt Nam

Xu hướng phi đô la hóa sẽ khiến cho Việt Nam phải lựa chọn: (i) tiếp tục duy trì chính sách dùng USD là đồng tiền giao dịch chủ yếu trong thương mại hay (ii) tham gia vào hệ thống BRICS pay và từ bỏ dần đồng USD trong giao dịch thanh toán quốc tế; hoặc xa hơn là tham gia vào một đồng tiền chung BRICS với sự đảm bảo bằng vàng hay dựa trên các yếu tố về thương mại, cán cân thanh toán để phát hành đồng tiền chung.

Đây sẽ là một lựa chọn tương đối khó khăn đối với chúng ta ở thời điểm hiện tại, bởi Mỹ đang là quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam nhiều nhất và thặng dư thương mại của Việt Nam đối với Mỹ hàng năm lên đến hơn 100 tỷ USD, xếp thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc (khoảng 400 tỷ USD) và Mexico (khoảng 130 tỷ USD). Do đó, việc Việt Nam quá nghiêng về xu hướng phi đô la hóa sẽ không thực sự thích hợp trong bối cảnh hiện tại khi mà Mỹ đang là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Với cách tiếp cận và xử lý vấn đề quốc tế một cách dứt khoát, thậm chí cực đoan của Tổng thống Trump sắp tới, chúng ta sẽ dễ gặp rủi ro hơn khi mà thị trường Mỹ đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện nay và xuất khẩu lại là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Biến động hệ thống tiền tệ thế giới và hàm ý với Việt Nam

Nhưng nếu không theo xu hướng trên thì có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ mất một cơ hội để độc lập hơn về chính sách tiền tệ cũng như đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu sang các nước trong khối BRICS mở rộng, thị trường mà đang chiếm 45% dân số toàn cầu và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Đồng thời, đó cũng là xu hướng dường như sẽ chi phối và hình thành một trật tự thế giới mới về mặt kinh tế - tài chính toàn cầu trong tương lai, nơi mà đồng USD sẽ không còn giữ vị thế độc tôn như trước, thay vào đó là các hệ thống tiền tệ tự do hơn và ít phụ thuộc hơn vào một quốc gia.

Việc ông Trump dự định sẽ đánh thuế 100% đối với tất cả các nước tham gia vào chiến lược phi đô la hóa trên sẽ khó thực hiện được, bởi nếu thực hiện chính sách trên, nước Mỹ vô hình chung sẽ tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới và bản thân nước Mỹ không thể một sớm một chiều có thể cung ứng tất cả hàng hóa thay thế cho người dân, người dân Mỹ sẽ phải đối mặt với việc mua hàng hóa với giá cả tăng vọt do chính sách thuế nhập khẩu trên và điều này có thể làm gia tăng lạm phát cũng như một cuộc khủng hoảng kinh tế cho nước Mỹ.

Tương tự như vậy, nỗ lực của ông Trump trong việc dựng lên các hàng rào thuế quan để bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ như ông cam kết cũng sẽ có tác động tương tự. Điều này sẽ lợi bất cập hại và càng làm cho nước Mỹ bị cô lập hơn cũng như làm suy yếu quyền lực cứng và mềm của nước Mỹ, khi mà ông Trump yêu cầu cả những nước đồng minh thân cận nhất của mình phải chơi bài toán song phẳng về thương mại.

Việc trục xuất dân nhập cư, vốn là nguồn lao động chính và giá rẻ của nước Mỹ, khiến các nhà kinh tế học lo lắng về nguồn lực lao động trong tương lai của nước Mỹ, khi mà dân bản xứ thường thích các công việc chân tay và đòi hỏi những mức lương cao kèm với chế độ và phúc lợi.

Để đảm bảo Việt Nam vẫn tham gia và hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu trong xu thế mới nhưng không làm ảnh hưởng quá nhiều đến mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng như các nước đồng minh, đòi hỏi chúng ta cần duy trì lập trường đa phương hóa như hiện nay, cũng như có một sự linh hoạt nhất định trong chính sách tiền tệ và thương mại quốc tế trong thời gian tới.

Một là, vẫn phải giữ được mối quan hệ vốn có với Mỹ cũng như tiếp tục phát triển mối quan hệ trên để phát huy tiềm năng của hai quốc gia. Đặc biệt, chúng ta cần nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn trong tương lai nếu như không muốn bị rủi ro về thao túng tiền tệ hay các vụ kiện chống bán phá giá, điều này cũng sẽ tạo tiền đề để Mỹ có thể công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Hai là, Việt Nam vẫn tham gia sâu rộng hợp tác đa phương với các nước, các tổ chức kinh tế trên thế giới, trong đó có BRICS, nhưng luôn phải giữ lập trường đa phương trong chính sách kinh tế đối ngoại như hiện nay, tránh việc quá ngả về một bên mà gây ảnh hưởng đến bên còn lại trong bối cảnh trật tự thế giới mới vẫn đang rất phức tạp và khó đoán như hiện nay. Âm thầm, uyển chuyển, linh hoạt sẽ là những thuật ngữ cần thiết trong quan hệ đa phương.
Ba là, Việt Nam cần củng cố nội lực của nền kinh tế, tập trung phát triển ngành công nghiệp trong nước để có thể chủ động hơn và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ở các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, việc hệ thống tiền tệ thế giới thay đổi từ đơn cực sang đa cực trong thời gian tới đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải có sự chuẩn bị nhất định cho các kịch bản và tác động của chúng đến chính sách tiền tệ và các biến số vĩ mô của Việt Nam.

Thay vì trước đây chúng ta chỉ cần quan tâm đến đồng USD là chủ yếu và đánh giá tác động các chính sách tiền tệ của Mỹ, thì bây giờ với hệ thống thanh toán có thể đa phương hơn và nhiều loại tiền tệ hơn, đòi hỏi chúng ta phải có những nghiên cứu đủ sâu rộng và chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra trong thời đại tiền tệ mới.

Một hệ thống tiền tệ đa phương cũng đòi hỏi các nhà kinh tế tiền tệ phải xây dựng những mô hình lý thuyết mới để làm chỉ dẫn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như cần thiết phải có các công cụ của chính sách tiền tệ mới để đáp ứng nhu cầu của sự thay đổi trong mô hình hệ thống tiền tệ thế giới.

Bốn là, sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu để xây dựng một cơ chế điều hành và dự báo tiền tệ và vĩ mô theo các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế diễn ra.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
25509.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả