Bị "thổi bay" hơn 5.100 tỷ đồng, tài sản gia đình đại gia 61 tuổi người Hải Dương còn bao nhiêu?
Chỉ sau hai phiên giao dịch gần nhất, khối tài sản của gia đình đại gia 61 tuổi người Hải Dương đã bị thổi bay hơn 5.100 tỷ đồng. Nhiều cổ đông đầu tư vào doanh nghiệp đại gia này làm Chủ tịch cũng đang “mất ăn mất ngủ”.
Sau cú lao dốc hơn 57 điểm phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày 14/6 vẫn giảm khá sâu trước khi tâm lý các nhà đầu tư ổn định trở lại. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index lấy lại sắc xanh với mức tăng nhẹ 3,27 điểm (0,27%) lên 1.230,31 điểm. Trong khi HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,59%) đạt 290,08 điểm và UPCoM cũng kết phiên trong sắc xanh.
Tuy nhiên, với các cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), đây tiếp tục là phiên giao dịch đáng quên khi mã cổ phiếu của doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam ghi nhận mức giảm thêm 1.500 đồng/cổ phiếu (tương đương mức giảm 4,72%) để đóng cửa ở mức giá 30.300 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Với mức giảm này, chỉ sau hai phiên giao dịch gần nhất HPG đã ghi nhận mức giảm 3.300 đồng/cổ phiếu. Đà giảm của HPG đã kích hoạt đà bán tháo của các nhà đầu tư khi phiên giao dịch ngày 14/6 có hơn 28,4 triệu cổ phiếu được sang tay.
Với đà giảm của HPG trong 2 phiên giao dịch gần nhất, khối tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Trần Đình Long cùng vợ và con trai ghi nhận mức giảm hơn 5.162 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 14/6, khối tài sản của gia đình tỷ phú 61 tuổi người Hải Dương chỉ còn hơn 47.399 tỷ đồng. Trong đó, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long giảm chỉ còn hơn 35.341 tỷ đồng.
So với mức đỉnh gần của HPG là 51.100 đồng/cổ phiếu thiết lập trong phiên giao dịch ngày 7/3, mã cổ phiếu này đã ghi nhận mức giảm gần 41% chỉ trong quãng thời gian hơn 3 tháng. Đà giảm của HPG khiến khối tài sản của gia đình tỷ phú Trần Đình Long đã bị thổi bay hơn 32.538 tỷ đồng.
Cùng với đó, mức giảm mạnh của HPG thời gian qua cũng đang trở thành cơn ác mộng với các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nắm giữ mã cổ phiếu này.
Trong đó, quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) thông báo đã bán ròng hơn 34 triệu cổ phiếu Hòa Phát (HPG) chỉ trong 3 tháng qua. Giá trị khoản đầu tư của VEIL tại HPG đã giảm 155,7 triệu USD, tương đương hơn 3.580 tỷ đồng.
Tính đến ngày 2/6, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát xếp thứ 4 trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) với tỷ trọng 7,2%. Giá trị tài sản ròng (NAV) quỹ lớn nhất của Dragon Capital là gần 2,2 tỷ USD, tương ứng khoản đầu tư HPG trị giá 157,9 triệu USD (khoảng 3.632,2 tỷ đồng), tương đương 109,6 triệu đơn vị.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 15/5, chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể quay trở lại đà giảm ngắn hạn khi mức hồi phục kỹ thuật chưa đủ mạnh. Đồng thời, thanh khoản suy yếu tại nhịp tăng cho thấy nhịp hồi phục kỹ thuật có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu phòng thủ như nhóm cổ phiếu sản xuất điện, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.
Tương tự, chuyên gia của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhận định thị trường hồi phục sau 1 phiên giảm mạnh với thanh khoản thấp cho thấy nguy cơ giảm trở lại vẫn khá lớn. Ngoài ra, nhà đầu tư cần theo dõi quyết định của Fed trong cuộc họp sắp tới diễn ra vào ngày 15 - 16/06/2022. Tốc độ tăng lãi suất hơn mức dự kiến trước đây là 0.5% được coi là tín hiệu tiêu cực với thị trường.
Chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá về góc nhìn kỹ thuật, trong kịch bản tích cực thì VN-Index sẽ tích lũy trở lại, tạo xu hướng điều chỉnh theo dạng sóng phẳng và dao động trong vùng điểm 1.230 – 1.300. Ngược lại, nếu diễn biến tiêu cực vẫn tiếp diễn, VN-Index sẽ có khả năng lui về vùng đáy cũ 1.170 điểm.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư kiên nhẫn đợi những tín hiệu rõ hơn từ thị trường và vẫn nên giữ tâm lý “phòng thủ” hơn là bắt đáy sớm trong giai đoạn này, nâng cao tỷ trọng tiền mặt khi thị trường có dấu hiệu thủng các vùng hỗ trợ mềm quanh 1.225. Nếu thị trường cho tín hiệu giao dịch sideway như ở kịch bản tích cực thì nhà đầu tư có thể giải ngân với những cổ phiếu phục hồi tốt thuộc nhóm ngành hưởng lợi như dầu khí, điện, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch 15/06, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1,220-1,230 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.240 – 1.250 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận