Bí mật đồng tiền: Tự doanh chứng khoán có nhiều lợi thế như nhà đầu tư vẫn nghĩ?
Các chuyên gia nhận định rằng hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán không chỉ hoàn toàn nắm lợi thế so với nhà đầu tư cá nhân, mà còn có cả những hạn chế.
Thời gian qua, trên thị trường có ý kiến cho rằng nhà đầu tư cá nhân thiệt thòi hơn so với các công ty chứng khoán - tổ chức vừa có thể khuyến nghị đầu tư, vừa có bộ phận tự doanh mua bản cổ phiếu với mức phí thấp hơn. Việc này có thể được so sánh với câu chuyện "đánh bài mà xem được bài người khác". Tại chương trình "Bí mật đồng tiền" ngày 4/5, các chuyên gia cho rằng quan niệm này chưa hẳn đúng.
Chương trình bí mật đồng tiền ngày 4/5. |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập FinPeace, khi còn làm ở Chứng khoán Thiên Việt, ông là người quản lý danh mục tự doanh lớn, tương đương với thanh khoản một ngày của thị trường. Với danh mục như vậy, nếu thanh khoản trên sàn không phù hợp, đơn vị tự doanh không thể ra được hàng. Từ đó ông cho rằng hoạt động tự doanh khó khăn hơn rất nhiều so với nhà đầu tư cá nhân - những người có danh mục nhỏ, khả năng linh hoạt cao hơn.
Vị này cũng cho rằng không một bên nào mang "hàng tự doanh" ra khuyến nghị với nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty chứng khoán lớn. Làm như vậy có thể ảnh hưởng đến bản thân họ vì chưa chắc đã có thể mua cổ phiếu tốt. Bên cạnh đó tư vấn danh mục tự doanh là vi phạm các quy định. Đồng thời tư vấn và đầu tư là hai bộ phận độc lập trong doanh nghiệp. Ngoài ra, với việc đằng sau các quyết định mua bán vẫn là con người, việc cầm số tiền gấp 100-1.000 lần người bình thường thì "độ run tay" sẽ cao hơn. Tổng kết lại, ông Tuấn Anh nhận định tự doanh chưa chắc đã có lợi hơn nhà đầu tư cá nhân.
Một yếu tố khác cũng được vị này nhắc đến là nếu trông vào việc "xem bài người khác" để ra quyết định đầu tư thì chắc chắn đó sẽ là quyết định trong trạng thái "delay", không có lợi thế. Thành công của tự doanh, theo ông, nằm ở chỗ những người này biết mua bán vì lý do gì. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng không giao tiền cho một cá nhân để "thích mua con gì thì mua" mà phải thông qua một quy trình chặt chẽ.
Ông Tuấn Anh cũng nhận định nhà đầu tư cá nhân có lợi thế với quyền chọn dừng lại bất cứ lúc nào. Còn những đơn vị tự doanh hay các không có quyền đó, họ phải liên tục cung cấp thanh khoản, có trách nhiệm với thị trường. "Quyền lực của cá nhân là quyền dừng lại, quyền lực của các tổ chức là tạo xu hướng. Hai thứ trên mà cân đôi thì có thể tạo nên thị trường", ông Tuấn Anh nói.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI nhận định sẽ "hơi oan" cho các doanh nghiệp chứng khoán nếu nói "có thể vừa xem bài vừa đánh". Các giao dịch tự doanh đều phải báo cáo lên Sở GDCK hàng ngày. Nếu có xem thông tin trên rồi đi "soi" các giao dịch của đơn vị khác và thực hiện lại thì khả năng sinh lời sẽ rất thấp vì ông cho rằng nhà đầu tư sẽ không hiểu tại sao các đơn vị trên lại giao dịch như vậy, các lệnh đặt mua bán trên đang đi theo xu hướng gì.
Ông Hưng cũng khuyên mọi người không chỉ nên nghe người này người kia khuyến nghị để đặt lệnh theo, mà mỗi người phải tự trang bị kiến thức cho mình, đọc thêm báo cáo tài chính, nghiên cứu xu hướng trước rồi tự ra quyết định. Ông cũng ví thị trường như một khu rừng, nhà đầu tư cá nhân có trong tay la bàn, còn các nhà đầu tư tổ chức có trong tay thiết bị GPS. Năng lực triển khai thì các tổ chức cỏ thể hơn nhưng những đơn vị này sẽ mất nhiều thủ tục để có thể đưa ra quyết định đầu tư, không như cá nhân có thể linh hoạt ứng biến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận