Bất động sản chuyển động, cổ phiếu Vinhomes, Novaland khi nào 'nổi sóng'?
Thị trường bất động sản thu hút sự quan tâm đặc biệt và đang có những chuyển động tích cực. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành này, trong đó có Vinhomes, Novaland… chưa vào đợt bứt phá.
Sáng 8/5, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn diễn biến không mấy tích cực khi cả Vinhomes (VHM), Novaland (NVL) đều giảm giá nhẹ sau áp lực bán ra trong tuần vừa qua.
Tới 10h sáng 8/5, chỉ số VN-Index tăng hơn 6 điểm, lên 1.046 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản gần đây được kỳ vọng sẽ bứt phá sau khi các cơ quan chức năng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ như: Nghị định 10 của Chính phủ (tháo gỡ nút thắt hành chính cho các chủ đầu tư dự án bất động sản), Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường hay Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội,…
Bản thân các doanh nghiệp cũng có kế hoạch năm khá ấn tượng. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 ngày 27/4, CTCP Vinhomes thông qua kế hoạch doanh thu 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 60,3% và 2,9% so với năm ngoái. Nếu đạt được, đây là kỷ lục mới về doanh thu của Vinhomes.
Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 100.000 tỷ đồng trong năm 2023. (Ảnh: VHM)
Trong năm 2023, Vinhomes dự định sẽ tiếp tục triển khai hoạt động bán hàng tại các quỹ căn còn lại của hai dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3. Đồng thời, công ty cũng sẽ nghiên cứu và ra mắt các dự án đại đô thị mới, tùy thuộc vào tình hình thị trường.
Tuần qua, thị trường chứng khoán giao dịch kém tích cực với hai phiên giảm mạnh sau kỳ nghỉ lễ 30/4.
Ngành bất động sản phân hóa khi các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm như: Vingroup (VIC) giảm 2,7%, Vinhomes (VHM) giảm 1%, Novaland (NVL) giảm 5,3%. Trong khi một số cổ phiếu vốn hóa vừa lại có nhịp tăng như BCG (+4,7%) và DIG (+1,9%)…
Thị trường chứng khoán còn có sự phân hóa giữa mạnh đối với các cổ phiếu trong cùng ngành. Trong ngành ngân hàng, các mã ACB (+1,9%) và HDB (+1,3%) tăng điểm tích cực thì một số mã khác lại điều chỉnh như Vietcombank - VCB (-0,8%), VPBank - VPB (-2,3%) và Techcombank - TCB (-2,7%).
Sau một kỳ nghỉ lễ dài ngày, chỉ số VN-Index giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên với mức giảm 0,81%. Áp lực bán đã dịu bớt trong phiên giao dịch cuối tuần. Kết tuần, chỉ số VN-Index giảm về mức 1.040,3 điểm (-0,84% so với tuần trước).
Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,16% lên mức 207,8 điểm còn chỉ số Upcom-Index giảm 0,27% về mức 77,6 điểm.
Thanh khoản đi ngang với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm nhẹ 0,2% so với tuần trước về mức 11.502 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị bán ròng đạt 501 tỷ đồng (so với mức mua ròng 18 tỷ đồng tuần trước).
Ngược lại, khối ngoại có diễn biến tích cực hơn trên 2 sàn còn lại khi mua ròng 14 tỷ đồng trên sàn HNX-Index (so với bán ròng 1 tỷ đồng tuần trước) và bán ròng 2 tỷ đồng (so với bán ròng 37 tỷ đồng tuần trước).
Trên thị trường, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng với diễn biến dòng tiền eo hẹp.
Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn về dòng tiền. Một số doanh nghiệp còn những khoản nợ hoặc/và trái phiếu sắp đến hạn thanh toán. Thống kê cho thấy, trong tháng 5, Vinhomes (doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup) có lô trái phiếu có giá trị 5.280 tỷ đồng đáo hạn. Novaland do ông Bùi Thành Nhơn làm chủ tịch cũng có 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào 18/5.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng diễn biến kém khởi sắc khi khối ngoại quay đầu bán ròng trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, thêm 25 điểm cơ bản lên 5-5,25%/năm trong cuộc họp ngày 3/5.
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán, nhiều tổ chức và chuyên gia tỏ ra khá thận trọng.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, nước Mỹ vẫn đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng trần nợ công và hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định khi có thêm một số ngân hàng nữa lâm vào tình cảnh khó khăn.
Theo ông Hinh, trong nước, mùa kết quả kinh doanh quý I/ 2023 kém tích cực đã được dự báo từ trước. Dù vậy, điều này vẫn gây áp lực nhất định tới thị trường. Cụ thể, theo thống kê tính đến ngày 4/5, lợi nhuận toàn thị trường giảm khoảng 17,5% so với cùng kỳ (quý 4 lợi nhuận toàn thị trường giảm 31%).
Việc lợi nhuận sụt giảm kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng nhẹ, chỉ số P/E của chỉ số VN-Index hiện ở mức 12,3 lần, là mức hợp lý nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay là khoảng 7,5%.
Trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất ổn và định giá thị trường chưa thực sự quá hấp dẫn, theo ông Đinh Quang Hinh, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục xu thế đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ trong nửa đầu tháng 5. Chỉ số VN-Index có thể về vùng hỗ trợ mạnh 1.000-1.030 điểm. Một số nhóm cổ phiếu hiện đang khỏe hơn thị trường chung như: đầu tư công, chứng khoán, năng lượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận