Bán hàng nhận cầm cố bằng cổ phiếu, doanh nghiệp phải ôm 2 triệu cổ phiếu "trà đá"
Mặc dù thắng kiện, doanh nghiệp có thể phát mại tài sản đảm bảo bằng lô cổ phiếu nhưng giá trị cổ phiếu nhận thế chấp tụt giá thê thảm, “nằm sàn” và rơi vào diện cảnh báo.
Vừa qua, TAND TP Thái Bình xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (mã SPD - UPCoM) và CTCP Đầu tư 3GR.
Đây là khoản phải thu ngắn hạn của SPD khiến nhiều cổ đông thắc mắc. Theo trình tự tố tụng, SPD đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu Đầu tư 3GR phải thanh toán số tiền mua hàng còn nợ là 23,9 tỷ đồng.
Theo đơn kiện, ngày 12/8/2017, hai công ty ký kết hợp đồng mua bán bông cotton. Cụ thể, SPD bán cho Đầu tư 3GR số lượng 553.000 kg bông cotton, đơn giá 43.310 đồng/kg. Tổng giá trị hợp đồng là 23,9 tỷ đồng. Việc giao hàng quy định trong vòng 10 ngày. Bên mua có trách nhiệm thanh toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hàng. Nếu chậm trả, bên mua phải chịu mức lãi suất 0,7%/tháng trong vòng 90 ngày tiếp theo. Từ ngày thứ 91 trở đi, bên mua phải chịu lãi suất 1,05%/tháng.
Để đảm bảo hợp đồng trên, bà Phạm Thị H., đại diện Đầu tư 3GR đã ký hợp đồng cầm cố 3 bên. Theo đó, bà H. đồng ý sử dụng 2 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (mã FTM - HOSE) phát hành để cầm cố. Biên bản định giá thể hiện, giá trị tài sản cầm cố ngày 15/8/2017 là 20 tỷ đồng. Hợp đồng này được mang đi công chứng.
Thực hiện hợp đồng trên, SPD đã giao hàng đầy đủ nhưng bên mua không thực hiện thanh toán theo đúng thỏa thuận.
Hai bên đối chiếu xác nhận nợ vào năm 2019, Đầu tư 3GR xác nhận nợ tiền hàng là 23,9 tỷ đồng và lãi là 4,7 tỷ đồng. Tính đến ngày phiên tòa xét xử vào tháng 6/2021, nợ gốc và lãi là 34,8 tỷ đồng.
Tòa án thấy rằng, việc các bên thỏa thuận lãi suất chậm trả là 1,05%/tháng thấp hơn mức lãi suất trung bình của liên ngân hàng nên chấp nhận đơn khởi kiện của SPD, buộc Đầu tư 3GR phải thanh toán số tiền 34,8 tỷ đồng.
Trường hợp Đầu tư 3GR không thanh toán số tiền trên, SPD có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm là lô 2 triệu cổ phiếu FTM đứng tên là Phạm Thị H. để thu hồi nợ. Nếu sau khi xử lý tài sản bảo đảm không đủ trả nợ thì Đầu tư 3GR phải tiếp tục trả nợ.
Theo ghi nhận trên thị trường, từ ngày 26/4/2021, cổ phiếu FTM bị rơi vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 31/12/2020 là con số âm. Hiện, cổ phiếu FTM “nằm sàn” giá 2.760 đồng/CP. Như vậy, giá trị tài sản đảm bảo chỉ còn khoảng 5,5 tỷ đồng.
SPD được cổ phần hóa từ năm 2006. Báo cáo tài chính quý II/2021 của doanh nghiệp thể hiện, tại ngày 31/6/2021, tổng tài sản đạt 434 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 81,4 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn là 167 tỷ đồng nhưng dự phòng chiếm 91,1 tỷ đồng; hàng tồn kho là 179 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 16,1 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh năm 2020 cũng lỗ 18 tỷ đồng. Ngoài công nợ với Đầu tư 3GR, Công ty còn khoản nợ khó đòi với CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân số tiền hơn 19,4 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa diễn ra vào tháng 6/2021, một số cổ đông cho rằng kết quả kinh doanh lỗ nặng là do ảnh hưởng từ các khoản nợ trên.
Bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng giám đốc Công ty thông tin về vụ việc với Công ty Đức Quân rằng, hai bên đã đạt được thỏa thuận về lịch trình trả nợ.
Với hai khoản nợ trên, Công ty đã thực hiện dự phòng nợ khó đòi trong 3 năm 2018 - 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường