24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hùng Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Áp thuế giá trị gia tăng với phân bón, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước

Thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần áp thuế với mặt hàng này để đảm bảo công bằng, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Có dư địa cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất

Trong dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), một trong những nội dung làm "nóng" Nghị trường Quốc hội là vấn đề áp thuế với mặt hàng phân bón. Có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì lo ngại khi đánh thuế 5% sẽ làm tăng mặt bằng giá phân bón, ảnh hưởng đến người nông dân. Tuy nhiên, đa số ý kiến lại nhất trí với dự thảo Luật của Chính phủ, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.

Thuế giá trị gia tăng đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế giá trị gia tăng đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.

Nếu áp thuế với mặt hàng phân bón, thị trường phân bón sản xuất trong nước có xu thế và dư địa giảm giá do được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Từ đó, sẽ cắt giảm được chi phí, hạ giá thành sản xuất. Ngoài ra, mặt bằng giá còn đặt trong xu thế giảm giá chung của thị trường phân bón thế giới sau khi hết dịch COVID-19.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phân bón hiện là mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá, vì vậy các cơ quan quản lý chức năng có thể sử dụng các biện pháp quản lý thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lợi dụng chính sách mới ban hành, cấu kết với tư thương để có các hành vi trục lợi, gây biến động lớn về giá trên thị trường, làm ảnh hưởng đến khu vực nông nghiệp.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội mới đây về nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc áp dụng thuế 5% đối với phân bón sẽ có lợi được cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. "Tôi lấy một ví dụ, nếu doanh nghiệp có sản phẩm đầu vào mua khoảng 80 đồng thì họ sẽ chịu thuế giá trị gia tăng đầu vào là 8 đồng, bán giá phân bón ra là 100 đồng, nếu giá đó không được khấu trừ thì về nguyên tắc họ phải đưa vào chi phí, phải tính vào giá và giá đó sẽ là 108 đồng, nếu chúng ta đưa vào 5% thì doanh nghiệp đó được khấu trừ đầu vào 8 đồng, ta cộng với 5% nữa thì giá chỉ còn 105 đồng. Khi làm giá phải theo nguyên tắc của kế toán, của tài chính, không phải đương nhiên chúng ta cứ áp dụng thuế 5% thì giá tăng lên 5%", Đại biểu lý giải.

Tránh phân biệt đối xử giữa phân bón trong nước và nhập khẩu

Cùng quan điểm trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình chia sẻ, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành Trồng trọt hiện nay đang chiếm 64% đến 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành Nông nghiệp.

Hiện nay, khi không chịu thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Điều này không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút mà còn cản trở việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới, hướng tới sản xuất nhanh, bền vững. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Đặc biệt, trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới trong giai đoạn 2015-2020 trước thời điểm đại dịch COVID-19, giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ có nguy cơ dẫn đến phá sản.

Áp thuế giá trị gia tăng với phân bón, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Khi mặt hàng phân bón được áp thuế giá trị gia tăng đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ giá trị gia tăng đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư. Do đó, nếu chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho "3 nhà", Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc thông tin thêm, các nước trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành Phân bón. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới hiện đang áp dụng thuế giá trị gia tăng ở mức 11% với phân bón. Nước này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Tương tự, như Nga - đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với ngành Phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

"Trường hợp tiếp tục giữ phân bón trong diện không chịu thuế giá trị gia tăng như hiện hành, có thể thấy các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón tiếp tục là đối tượng hưởng lợi. Đối tượng bị ảnh hưởng là tất cả các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phân bón trong nước và ngành sản xuất này có thể bị thu hẹp dần và được thay thế bằng phân bón nhập khẩu. Khu vực nông nghiệp về lâu dài sẽ phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và khó có thể thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững", đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.

Cũng trăn trở về nội dung này, đại biểu Nguyễn Vân Chi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chia sẻ, phân bón là một lĩnh vực hết sức đặc thù và khác biệt so với tất cả các sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường hiện nay. Phân bón đang ở diện không chịu thuế nên tất cả các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ đối với đầu vào và toàn bộ giá trị thuế đầu vào bao gồm cả giá trị rất lớn như với đầu tư phải cộng hết tất cả vào chi phí, cho nên giá thành rất cao. Tất cả được cộng vào giá thành và cộng vào giá bán.

Tuy nhiên, đối với phân bón nhập khẩu khi xuất khẩu sang Việt Nam vẫn được khấu trừ toàn bộ thuế đầu vào. Theo đại biểu, như vậy chúng ta đã phân biệt đối xử giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu bằng cơ chế không chịu thuế. Đồng thời, phân bón sản xuất trong nước bị phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác trong nước vì tất cả các ngành khác đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%, 10%.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi nhấn mạnh, việc áp dụng thuế 5% không có nghĩa mặt bằng giá phân bón sẽ tăng lên 5% vì các doanh nghiệp phân bón trong nước có dư địa để giảm giá khi họ được khấu trừ phần thuế đầu vào này hoặc rất nhiều trường hợp họ sẽ được hoàn nên mặt bằng sẽ giảm giá. Chính vì vậy, không thể nói rằng người nông dân hay khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng.

"Ở đây chúng ta chỉ đặt ra một câu hỏi là liệu chúng ta có nên tiếp tục chính sách không đánh thuế này để chúng ta phân biệt đối xử đối với ngành sản xuất phân bón trong nước hay không, trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp, chúng ta cần phải có sự ổn định, phải dựa vào sản xuất phân bón trong nước hay chúng ta muốn rằng nền nông nghiệp của chúng ta sẽ dựa chủ yếu vào phân bón nhập khẩu?", Đại biểu lo lắng.

Trong suốt thời gian qua, các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, TP. Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang,... Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã liên tục kiến nghị chuyển lại mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này cũng đã được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả