Áp lực ngắn hạn tăng, thị trường rung lắc mạnh, cổ phiếu nhỏ tiếp tục hút tiền
Đợt hàng bắt đáy đầu tiên về tài khoản bắt đầu gây áp lực lên thị trường, đẩy dao động trong phiên lên khá cao và độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm. Sức ép từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang làm khó VN-Index, nhưng cổ phiếu vẫn duy trì được sự phân hóa khá tích cực.
VN-Index đóng cửa giảm 0,25% tương đương -3,15 điểm, tương đương trả lại khoảng một nửa mức tăng ngày hôm qua. Riêng VHM giảm 3,74% đã lấy đi tới 1,7 điểm của chỉ số. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng đột biến 80% so với phiên trước, đạt gần 1.333 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng giá trị khớp sàn HoSE.
VHM không đóng cửa giá thấp nhất trong phiên này, xác nhận có lực cầu đỡ trong diễn biến thanh khoản đột biến nói trên. Giá giảm gần 15% chỉ trong 7 phiên đã đưa VHM quay lại đáy đầu tháng 10. Hiện trụ VHM đang là cổ phiếu ảnh hưởng quyết định tới VN-Index vì biên độ điều chỉnh ở nhiều cổ phiếu lớn khác không mạnh.
VN30-Index hôm nay giảm 0,14% với 8 mã tăng/17 mã giảm nhưng trừ VHM, chỉ có VNM giảm 1,04% là có ảnh hưởng. SSI giảm 1,31%, PLX giảm 1,19% là các mã duy nhất đáng chú ý còn lại, nhưng vốn hóa cũng không lớn. Phía ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng đi ngược dòng khá tích cực là STB tăng 2,2%, VIB tăng 1,33%, TCB tăng 1,05%, TPB tăng 0,88%. Sắc đỏ tuy chiếm đa số trong rổ blue-chips này nhưng biên độ giảm nhìn chung là nhẹ.
Thanh khoản của rổ VN30 cũng tăng không đáng kể so với hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh rổ này đạt hơn 6.217 tỷ đồng, tăng 15% tương đương gần 813 tỷ đồng. Trong mức tăng này VHM chiếm phần lớn khi tăng 591 tỷ đồng. STB, MSN, TCB là các cổ phiếu có cải thiện thanh khoản đáng chú ý và giá cũng duy trì được sức mạnh đến cuối phiên.
Tuy nhiên giao dịch đáng chú ý nhất vẫn là nhóm cổ phiếu nhỏ khi khả năng nâng đỡ giá là khá hiệu quả với dòng tiền yếu. Rổ Smallcap trên HoSE hôm nay duy trì thanh khoản tương đương phiên trước ở mức 1.219 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% thị phần sàn HoSE, tỷ trọng cao nhất trong vòng 3 tuần trở lại đây. 8 mã vẫn tăng kịch trần trong đó DC4, QCG, CIG, ASP, TDH, TNT thanh khoản tốt hơn cả. Thậm chí, hàng chục cổ phiếu thanh khoản vài tỷ tới vài chục tỷ đồng đạt biên độ tăng giá trên 2% như KHP, SIP, NO1, CMX, VFG, PSH, NVL, ELC, TNH… Mặc dù thanh khoản cho thấy chỉ có dòng tiền nhỏ hoạt động tại đây nhưng với các nhà đầu tư, cứ giá tăng là một diễn biến tích cực.
Với 163 cổ phiếu đi ngược dòng hôm nay, rổ VN30 chỉ đóng góp 8 mã tăng, còn lại là nhóm vừa và nhỏ. Có 73 mã trong số này kết phiên tăng hơn 1% và VN30 đóng góp 3 mã. Tổng thanh khoản nhóm mạnh nhất này chiếm xấp xỉ 20% sàn, nếu trừ đi 3 mã thuộc rổ VN30, số còn lại chiếm khoảng 8,3% sàn. Các số liệu này cho thấy dòng tiền nóng đẩy giá không hẳn là mạnh, chỉ là phần rất nhỏ trên thị trường nhưng vẫn có hiệu quả tốt ở các mã cụ thể. Thanh khoản nhỏ chính là một lợi thế lúc này.
Với áp lực bán T+ tăng lên, độ rộng thể hiện số cổ phiếu giảm áp đảo với 210 mã đỏ. Nhiều mã xuất hiện giao dịch khá lớn và giá giảm sâu cho thấy tác động rõ rệt của các giao dịch ngắn hạn. Ngoài VHM, có thể kể tới SSI giảm 1,31% khớp 254,9 tỷ; VNM giảm 1,04% khớp 228,7 tỷ; DPG giảm 6,85% khớp 193,7 tỷ; VIX giảm 1,36% với 156,5 tỷ; DBC giảm 1,42% với 156,3 tỷ… Nhóm Midcap cũng có GEX, VND, DCM, BFC, DGW… chịu áp lực lớn.
Thanh khoản khớp lệnh hai sàn phiên này vẫn duy trì mức rất thấp với khoảng 11.819 tỷ đồng. Nếu không có giao dịch lớn của VHM thì thanh khoản còn kém hơn nữa. Điều này tiếp tục xác nhận thị trường chưa xuất hiện dòng tiền lớn, vẫn chỉ là các giao dịch đầu cơ lướt sóng nhỏ với độ mạo hiểm cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận