Áp lực bán gia tăng khiến chứng khoán giảm mạnh
Chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán giảm gần 23 điểm trong phiên ngày 23.7, trong đó có sức ép không nhỏ từ các cổ phiếu trụ.
Tâm lý giao dịch thận trọng vẫn đang chiếm lĩnh thị trường, ngay cả khi hai phiên giảm khá mạnh gần nhất cũng không đủ giúp bảng điện tử có tín hiệu hồi phục. Tưởng chừng như sau hai phiên giảm điểm vừa qua, thị trường sẽ xuất hiện tín hiệu hồi phục, nhưng sự ảm đạm vẫn kéo dài và áp lực bán có phần lan rộng về cuối phiên, dù phần lớn nhà đầu tư không bán quá mức.
Đặc biệt khi bước vào phiên chiều, dường như nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn và quyết tâm bán mạnh hơn, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, khiến VN-Index đổ đèo về gần ngưỡng 1.230 điểm, tương đương giảm gần 25 điểm so với tham chiếu.
Kết phiên giao dịch ngày 23.7, sàn HOSE có 83 mã tăng và 373 mã giảm, VN-Index giảm 22,83 điểm (-1,82%), xuống 1.231,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 728,4 triệu đơn vị, giá trị 18.069,9 tỉ đồng, giảm 21% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,5 triệu đơn vị, giá trị 1.938 tỉ đồng. Các bluechip nói chung và các cổ phiếu ngân hàng là tác nhân chính kéo lùi chỉ số, với những cái tên như ACB, STB, BID, CTG, TPB, MBB mất từ 3% đến hơn 5%, thậm chí TPB có thời điểm còn giảm về giá sàn.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng bị đẩy sâu hơn trong phiên chiều và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Chốt phiên, sàn HNX có 47 mã tăng và 125 mã giảm, HNX-Index giảm 3,78 điểm (-1,59%), xuống 234,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,7 triệu đơn vị, giá trị 1.046 tỉ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,38 triệu đơn vị, giá trị 189,6 tỉ đồng.
Thị trường tiếp tục trải qua một phiên giao dịch tiêu cực, tập trung mạnh ở nhóm vốn hóa trung bình nhỏ. Đây cũng là giai đoạn báo cáo kết quả kinh doanh quý II dần lộ diện và tạo ra khoảng trống tâm lý trên diện rộng khi nhiều cổ phiếu không đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư.
Điều này đồng thời với thông tin tổng dư nợ margin của các công ty chứng khoán trong cuối quý II/2024 đạt mức đỉnh mới gần 230.000 tỉ đồng, cao hơn mức dư nợ đỉnh điểm của thị trường trong đầu năm 2022 đã dẫn đến tâm lý nhà đầu tư kém tích cực hơn.
Lực cầu tham gia trong phiên tương đối tốt, nhưng độ rộng thị trường vẫn ở trong trạng thái phân lớp tham gia riêng một vài nhóm ngành tạo đáy sớm (ngân hàng, bán lẻ, thép).
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc giải ngân trong giai đoạn này, tập trung vào các cơ hội đã chiết khấu và có kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý II tích cực với vùng quản trị rủi ro là 1.220 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận