24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

An Khang đang “hụt hơi” trong “cuộc đua tam mã” với Long Châu và Pharmacity?

An Khang đang phải thu hẹp quy mô tương tự Bách Hóa Xanh để tập trung cải thiện chất lượng vận hành và hiệu quả hoạt động

So sánh về hiệu quả hoạt động, An Khang đang thua xa Long Châu - chuỗi nhà thuốc được FPT Retail (FRT) mua lại cũng trong năm 2017.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Thế Giới Di Động (MWG) cho biết, một trong những định hướng kinh doanh năm 2023 của doanh nghiệp bán lẻ này là tạm ngừng mở mới chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé AVAKids.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Thế Giới Di Động, mặc dù tiềm năng thị trường của An Khang và AVAKids rất lớn nhưng các chuỗi này hiện chưa có lợi nhuận. Do đó, công ty sẽ tạm ngưng mở rộng và tập trung giữ những cửa hàng có biên lợi nhuận dương, tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm lỗ và đưa về điểm hoàn vốn cho toàn chuỗi.

“Đuối sức” trong cuộc đua với Long Châu và Pharmacity?

Thế Giới Di Động mua lại chuỗi cửa hàng thuốc An Khang từ năm 2017 nhưng mãi đến quý 4/2021, khi thị trường bán lẻ dược phẩm có sự dịch chuyển từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại trở nên rõ ràng hơn, Thế Giới Di Động mới tăng tốc mở mới chuỗi nhà thuốc An Khang và chuyển sang sở hữu toàn bộ vào tháng 11/2021 - nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 99%.

Với sự hậu thuẫn của Thế Giới Di Động số lượng cửa hàng thuốc An Khang đã tăng trưởng nhanh chóng và nếu xét về tốc độ tăng bằng lần thì An Khang còn vượt qua cả Long Châu và Pharmacity. Thậm chí, Thế Giới Di Động còn đặt mục tiêu nâng số cửa hàng thuốc An Khang lên lần lượt là 800 và 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2022 và 2023.

Để đạt được mục tiêu trên, trong 3 quý đầu năm 2022, Thế Giới Di Động liên tục khai trương các cửa hàng thuốc An Khang mới với số lượng tăng từ 211 nhà thuốc cuối quý 1 lên 365 nhà thuốc cuối quý 2 và 529 nhà thuốc đến cuối quý 3. Từ tháng 7/2022, Thế Giới Di Động cũng quyết định "lột xác" cho chuỗi An Khang bằng việc thay toàn bộ biển hiệu màu đỏ thành màu xanh lá cây, đồng thời, thống nhất mô hình thiết kế, bày trí cho các cửa hàng mới và cũ để tăng 50% số lượng sản phẩm trưng bày.

Tuy nhiên, từ quý 4/2022, An Khang đã dừng mở rộng chuỗi, và từ tháng 11, chuỗi nhà thuốc này dần thu hẹp quy mô về 509 cửa hàng rồi chốt lại năm 2022 với con số 500 nhà thuốc đang hoạt động. Trong năm 2022, chuỗi 500 nhà thuốc An Khang đóng góp cho Thế Giới Di Động doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng (trung bình hơn 300 triệu đồng/cửa hàng), tương đương 1,1% trong tổng doanh thu 140.000 tỷ đồng của cả tập đoàn.

Như vậy, thay vì tiếp tục đẩy mạnh mở rộng quy mô để đạt mục tiêu 800 cửa hàng hoạt động vào cuối năm 2022, Thế Giới Di Động lại có động thái siết lại số nhà thuốc An Khang, trước khi đưa ra quyết định tạm ngừng mở mới trong năm 2023.

An Khang đang “hụt hơi” trong “cuộc đua tam mã” với Long Châu và Pharmacity?

Chia sẻ về quyết định dừng mở mới, ông Đoàn Văn Hiểu Em, người đứng đầu chuỗi nhà thuốc An Khang cho biết: “So với mục tiêu có 800 cửa hàng trước đây, việc chậm lại một nhịp như vậy cũng giúp chúng tôi đánh giá, nhìn nhận lại, củng cố lại mọi thứ, tìm cơ hội để gia tăng thêm doanh thu cho An Khang trong thời gian tới. Hiện tại, 500 cửa hàng đã đủ lớn trên thị trường”.

Ông cũng cho biết thêm hết tháng 1/2023, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng An Khang khoảng 350 triệu đồng. Con số này đã tăng gấp đôi thời điểm ban đầu, nhưng so với các chuỗi đang có doanh thu rất cao khác thì chưa đúng kỳ vọng công ty đặt ra.

Thực tế, nếu so sánh về hiệu quả hoạt động, An Khang đang thua xa Long Châu - chuỗi nhà thuốc được FPT Retail (FRT) mua lại cũng trong năm 2017. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, chuỗi 937 nhà thuốc Long Châu đã đóng góp tới gần 9.600 tỷ đồng vào tổng doanh thu của FPT Retail, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021. Như vậy, bình quân mỗi cửa hàng Long Châu thu hơn 10 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương trên 850 triệu đồng mỗi tháng.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội trong năm 2022, Long Châu đang trở thành động lực tăng trưởng mới của FPT Retail trong bối cảnh doanh thu chuỗi bán lẻ điện tử FPT Shop đang chậm lại, chỉ tăng 11% so với năm 2021.

Năm 2022, Long Châu vẫn duy trì chiến lược bành trướng khi có thêm gần 540 nhà thuốc và trong chiến lược phát triển năm 2023, lãnh đạo FPT Retail dự kiến mở thêm 400-500 cửa hàng, tiến thêm một bước trong tham vọng đạt 5.000 cửa hàng vào những năm tới.

An Khang đang “hụt hơi” trong “cuộc đua tam mã” với Long Châu và Pharmacity?

Nhờ việc đẩy mạnh mở mới, Long Châu đã dần thu hẹp khoảng cách với Pharmacity, khi mà chuỗi nhà thuốc này sau thời gian “đốt tiền” để đạt đỉnh quy mô gần 1.100 cửa hàng vào cuối tháng 9/2022 cũng giảm quy mô về 1.017 cửa hàng vào cuối năm 2022.

Động thái thu hẹp quy mô của Pharmacity diễn ra ngay sau khi đội ngũ lãnh đạo của “ông lớn” bán lẻ dược phẩm này có những thay đổi vào tháng 9 năm ngoái. Theo đó, nhà sáng lập Chris Blank đã rời vị trí Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Pharmacity. Thay thế ông tại vị trí đại diện pháp luật là ông Nguyễn Như Nam, một giám đốc đầu tư của SK Group tại Việt Nam. Ngày 1/9/2022, Pharmacity chính thức bổ nhiệm bà Trần Tuệ Tri làm Tổng giám đốc.

Sau biến động về nhân sự cấp cao, Pharmacity đã thực hiện chiến lược “đổi mới toàn diện”, trong đó có tái cơ cấu hệ thống, đóng những cửa hàng kém hiệu quả, mở mới ở những vị trí chiến lược hơn nhằm tăng trưởng bền vững phù hợp trong giai đoạn mới, khi thói quen mua sắm người Việt đã bắt đầu thay đổi sau đại dịch.

Với những đổi mới về hệ thống, Pharmacity cho biết doanh thu thuần từ bán thuốc năm 2022 tăng 77% so với năm 2021, trong đó, tăng đột biến vào những tháng cuối năm. Trong năm 2023, Pharmacity định hướng tiếp tục tập trung vào việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp và tối ưu hoá chi phí hoạt động. Doanh nghiệp vẫn duy trì mục tiêu đến cuối năm 2025 mở 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc.

Đã đến lúc tập trung vào chất lượng thay vì mở rộng thị phần

Quay trở lại với câu chuyện của An Khang, trong khi cả Long Châu và Pharmacity vẫn kiên trì mục tiêu bành trướng thì thành viên thuộc tập đoàn Thế Giới Di Động lại tạm dừng mở mới cửa hàng. Quyết định này là một phần trong chiến lược “dọn dẹp” lại các mảng kinh doanh kém hiệu quả của Thế Giới Di Động trong năm 2023.

Theo đó, bên cạnh việc tạm ngưng mở mới chuỗi An Khang và AVAKids, Thế Giới Di Động cũng thu hẹp chuỗi AVASport và đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại thị trường Campuchia, đồng thời tập trung vào 3 chuỗi kinh doanh cốt lõi gồm thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh.

Và có lẽ, cũng giống như Bách Hóa Xanh, sau giai đoạn liên tục mở rộng chuỗi nhằm chiếm lĩnh thị phần, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động dường như nhận ra đã đến giai đoạn cần tối ưu hóa hoạt động của từng cửa hàng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản.

Thế Giới Di Động lúc này cũng khó có thể áp đặt công thức thành công của chuỗi thegioididong.com hay Điện Máy Xanh vào mô hình nhà thuốc An Khang khi mà An Khang không sở hữu cả thế mạnh đi tiên phong như thegioididong.com cũng không có thế mạnh mô hình cửa hàng tiện lợi như Điện Máy Xanh.

Xét về thế mạnh đi trước, rõ ràng, An Khang là “kẻ đi sau” khi chỉ mới có ý định tham gia vào thị trường một cách nghiêm túc từ năm 2021, trong khi đó, Pharmacity đã được thành lập từ đầu những năm 2011, còn Long Châu đã là một nhà thuốc có tiếng hơn 20 năm nay.

Xét về mô hình, An Khang có điểm tương đồng với Long Châu khi các cửa hàng mở mới có diện tích nhỏ, chỉ từ 30-40m2, được đặt gần các tiệm thuốc tây nhỏ lẻ trong khu vực và gần các chuỗi cạnh tranh. Tuy nhiên, theo khảo sát của người viết, vị trí của các nhà thuốc An Khang thường không “đắc địa” bằng Long Châu, đó là chưa kể quy trình tư vấn và thanh toán của Long Châu cũng chuyên nghiệp hơn và giá bán cũng “mềm” hơn.

Tất nhiên điều này có thể lý giải bởi ngay từ đầu Long Châu đã xác định tập trung vào chất lượng vận hành và hiệu quả của mỗi cửa hàng, đồng thời theo đuổi mục tiêu lợi nhuận từ sớm và đến nay các cửa hàng đã có lãi, trong khi An Khang (cũng giống như Pharmacity) lại chỉ tập trung vào mục tiêu mở rộng thị phần.

“Chiến lược này có thể gặp trở ngại bởi thuốc là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, yêu cầu trình độ chuyên môn của đội ngũ bán hàng. Thói quen của người Việt Nam hiện nay là sẽ không thông qua thăm khám với bác sĩ có chuyên môn mà sẽ đến trực tiếp các nhà thuốc và nhờ nhân viên bán hàng tư vấn. Chính vì đặc thù này mà tuyển dụng nhân sự bán hàng cho các cửa hàng An Khang sẽ không đơn giản như các chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh”, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS).

Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ năm 2017 đến nay, nước ta vẫn luôn xảy ra tình trạng khan hiếm nhân lực ngành y dược. Điều này đã tạo ra thêm một cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực giữa các chuỗi bán lẻ dược phẩm, trong đó Pharmacity đang là nhà tuyển dụng dược sĩ lớn nhất cả nước, với hơn 5.000 dược sĩ làm việc, ở giai đoạn có 5.000 cửa hàng, con số này sẽ tăng lên 25.000 dược sĩ.

Ngoài ra, xét về tỷ trọng thuốc trên tổng sản phẩm, An Khang đang có số lượng thuốc điều trị chiếm khoảng 60% so với tổng sản phẩm, cao hơn tỷ trọng 30-40% của Pharmacity nhưng lại thấp hơn hẳn Long Châu. Long Châu hiện đang có mô hình giống với mô hình nhà thuốc thông thường nhất khi tỷ trọng thuốc, thực phẩm chức năng lên tới 70-80% danh mục với giá bán hầu như rẻ hơn hai chuỗi nhà thuốc còn lại.

Như vậy, đúng như lời ông Đoàn Văn Hiểu Em từng nói, đây là thời điểm mà An Khang cần “chậm lại một nhịp” để đầu tư hơn vào chất lượng vận hành và hiệu quả của mỗi cửa hàng đồng thời tận dụng nhiều hơn lợi thế của công ty mẹ là kinh nghiệm bán lẻ và chất lượng phục vụ hàng đầu thay vì chạy theo số lượng như trước đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
59.00 +0.30 (+0.51%)
173.20 +3.30 (+1.94%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả