menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngô Vũ Sơn

Ấn Độ và Indonesia: Hai đối thủ cạnh tranh FDI trực tiếp với Việt Nam

Ấn Độ và Indonesia, hai “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở châu Á, đều có chiến lược riêng để cạnh tranh dòng vốn nước ngoài trong bối cảnh xung đột địa chính trị và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Ấn Độ “hụt hơi”

Năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi phát động chiến dịch “Make in India” nhằm khuyến khích các công ty trong và ngoài nước sản xuất sản phẩm ngay tại Ấn Độ, thu hút vốn đầu tư quốc tế, từ đó nâng tỷ trọng ngành sản xuất trong GDP.

Sau giai đoạn hào hứng ban đầu, FDI vào Ấn Độ có dấu hiệu chững lại khi đạt 71,3 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023 (tháng 4/2022-tháng 3/2023), giảm so với mức 84,8 tỷ USD trong năm tài chính trước đó, theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này.

Sang nửa đầu năm tài chính 2023-2024, Ấn Độ đã thu hút 33 tỷ USD vốn FDI, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước và ở mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Các lĩnh vực chứng kiến dòng vốn FDI sụt giảm nhiều nhất là phần cứng máy tính, phần mềm, viễn thông, ô tô và dược phẩm. Trớ trêu là đây cũng là những lĩnh vực mà chính phủ của Thủ tướng Modi đã đưa ra rất nhiều ưu đãi.

Dù vậy, chính phủ Modi gần đây vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng: Thu hút 100 tỷ USD vốn FDI mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới này đang tích cực tìm cách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài muốn đa dạng hóa các hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc theo chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Theo đó, Ấn Độ đã miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư mới có vốn trên 100 triệu USD và dành hơn 460.000 ha đất “sạch” để thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Ngoài ra, quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng quy hoạch 10 trung tâm công nghiệp sản xuất tại 9 bang, bao gồm 100 khu công nghiệp.

Chính phủ Ấn Độ cũng cũng cam kết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức thấp nhất có thể, đồng thời khuyến khích các tiểu bang phát triển hệ sinh thái công nghiệp riêng, đưa ra các ưu đãi rõ ràng về thuế và công nợ.

Với lợi thế cơ cấu dân số trẻ và nguồn lao động giá rẻ, Ấn Độ cùng với Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu cho các doanh nghiệp nước ngoài theo đuổi chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Nếu như mức lương lao động phổ thông ở Trung Quốc vào khoảng 13 triệu VND, ở Việt Nam là khoảng 8 triệu VND, thì ở Ấn Độ chỉ gần 5 triệu VND, theo số liệu của Ngân hang Thế giới.

Kết quả là, theo chân các nhà sản xuất nước ngoài như Hyundai, Samsung, Toyota và Suzuki, Foxconn và Pegatron – 2 nhà cung ứng cho Apple, ông lớn bán dẫn Micron Technology, Boeing, hay gần đây nhất là VinFast đã gia nhập thị trường rộng lớn của Ấn Độ.

Tuy vậy, Ấn Độ hiện gặp phải một số trở ngại trong thu hút FDI.

Đài CNBC của Mỹ mới đây nhận định, Việt Nam có ưu thế hơn hẳn khi nói đến lĩnh vực chế tạo, còn Ấn Độ mới chỉ bắt đầu gia nhập cuộc chơi.

Đơn cử trong ngành điện tử, các nhà sản xuất nước ngoài ở Ấn Độ phải chịu mức thuế từ 8,5-15% đối với khoảng 80-90% linh kiện điện thoại nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam có mức thuế trung bình thấp hơn, ở mức 0,7%, theo báo cáo của Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ.

Tính chung mặt hàng công nghệ, Ấn Độ áp thuế nhập khẩu là 10%, cao gấp đôi so với Việt Nam.

Tháng 8/2022, Ấn Độ đã siết chặt chính sách ưu đãi thuế cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi nhiều doanh nghiệp nội địa tận dụng lỗ hổng, gửi tiền ra công ty con ở nước ngoài rồi đầu tư trở lại nội địa nhằm lách luật. Sự thay đổi này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các doanh nghiệp FDI.

Theo Chủ tịch Mukesh Aghi của Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn (UISPF), Ấn Độ hiện có 29 bang và chính sách tại mỗi bang đều khác nhau, gây khó khăn cho các doanh nghiệp quốc tế muốn tiếp cận thị trường.

Ngoài ra, năng suất của công nhân Ấn Độ cũng rất thấp, khiến khoản chi phí nhân công mà các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được là không đáng kể.

Một bất lợi của Ấn Độ nhằm đối trọng sản xuất với Trung Quốc là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng yếu kém của nước này khiến chi phí hậu cần chiếm từ 18-20% chi phí sản xuất, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 8-10% ở Trung Quốc.

Indonesia tận dụng lợi thế tự nhiên

Indonesia thu hút 63,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023, tăng 37% so với năm 2022, theo Bộ Đầu tư nước này. Trong đó, ngành công nghiệp kim loại cơ bản nhận được nhiều vốn nhất, 11,8 tỷ USD. Khoảng 1/3 vốn FDI, chủ yếu từ Trung Quốc, được đổ vào ngành công nghiệp kim loại và khai thác mỏ.

Kể từ khi Indonesia cấm xuất khẩu niken vào tháng 1/2020 nhằm khuyến khích chế biến trong nước và tăng cường năng lực hạ nguồn, đầu tư vào nước này đã tăng lên, đặc biệt là từ Trung Quốc, để xây dựng các nhà máy luyện kim. Ngoài ra, các gã khổng lồ ô tô như Ford, Hyundai, Tsingshan Holdings và BYD cũng cam kết đầu tư hàng tỷ USD nhằm tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của nước này.

Ấn Độ và Indonesia: Hai đối thủ cạnh tranh FDI trực tiếp với Việt Nam

Thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: World Atlas.

Để tạo sức hút, chính phủ Indonesia đã thông qua Luật tạo việc làm mới (còn gọi là Luật Omnibus) vào năm 2020 nhằm đơn giản hóa các quy định đầu tư và cấp phép.

Ủy Ban điều phối đầu tư Indonesia đã ra mắt dịch vụ một cửa trong năm 2021 để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tại đây. Ngoài ra, Indonesia cũng cho phép tất cả các nhà đầu tư đã có giấy phép đầu tư có thể bắt đầu dự án xây dựng ngay trước khi có giấy phép xây dựng tại các khu công nghiệp.

Về ưu đãi thuế, chính quyền Tổng thống Joko Widodo cũng đã đưa ra một số chính sách để thu hút đầu tư, nhất là vào những lĩnh vực chiến lược. Ví dụ, ưu đãi thuế dành cho 18 ngành công nghiệp tiên phong, bao gồm kim loại cơ bản, dầu khí, hóa chất, dược phẩm và các ngành liên quan đến cơ sở hạ tầng.

Chính phủ đã tích cực phát triển các đặc khu kinh tế (SEZ), khu thương mại tự do và khu công nghiệp, với những quy định và ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư. Tính đến cuối năm 2023, Indonesia có 19 SEZ có tổng diện tích hơn 18,7 nghìn ha và 122 khu công nghiệp với tổng diện tích 47 nghìn ha.

Tuy nhiên, rào cản đầu tư ở Indonesia không ít. Một chính sách được cho là có thể hạn chế FDI vào nước này là yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa và hạn chế nhập khẩu trong các lĩnh vực tương ứng. Vào năm 2022, Bộ Đầu tư Indonesia yêu cầu các công ty nhận được ưu đãi đầu tư phải nộp cam kết hợp tác với các doanh nghiệp nội trong khu vực thực hiện dự án.

Tờ Jakarta Post nhận định rằng dù đưa rất nhiều ưu đãi về miễn giảm thuế và giấy phép lao động, các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện vô vàn thủ tục để được hưởng chúng. Hơn nữa, các quy định kinh doanh ở Indonesia liên tục thay đổi cũng khiến các nhà đầu tư bận tâm.

Chất lượng cơ sở hạ tầng của Indonesia cũng là một mối e ngại. Đặc tính quần đảo của nước này đặt ra những thách thức về hậu cần. Ngoài ra, nguồn cung cấp điện không ổn định cũng làm cản trở hoạt động đầu tư, đặc biệt đối với các ngành phụ thuộc lớn vào cơ sở hạ tầng.

Hầu hết FDI vào Indonesia trong vài năm qua đều đổ vào lĩnh vực phi chế tạo. Năm lĩnh vực hàng đầu thu hút FDI ở Indonesia là năng lượng tái tạo, khai khoáng, hóa chất, bất động sản và kim loại. Nói rộng hơn, FDI vào ngành công nghiệp sản xuất ở Indonesia đã bị thu hẹp trong vài năm qua, trong khi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo của Việt Nam đang tăng mạnh.

Trong khi đó về bản chất, căng thẳng thương mại ảnh hưởng nhiều nhất đến các lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu. Vì vậy, khi các nhà đầu tư cần tìm bến đỗ mới, họ sẽ tìm đến những nơi cũng định hướng xuất khẩu. Về mặt này, Việt Nam đi trước nhiều nước châu Á khác với chiến lược tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, Edimon Ginting - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Bangladesh nhận xét.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại