Tìm mã CK, công ty, tin tức


Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Tính trên cả 3 sàn giao dịch HoSE, HNX, UPCoM, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng 1.600 cổ phiếu đang niêm yết và đăng ký giao dịch. Đáng chú ý, trong đó có 10 mã cổ phiếu đạt thị giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu tính đến hết phiên 14/2, tất cả đều thuộc nhóm phi tài chính.
Cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là WCS của CTCP Bến xe Miền Tây - chủ quản lý và vận hành bến xe cùng tên tại TP.HCM - với giá đóng cửa phiên 14/2 ở 365.200 đồng/cổ phiếu.
Doanh nghiệp này tiền thân là Bến Xe Miền Tây được thành lập năm 1970, hoạt động chủ yếu trong mảng khai thác và kinh doanh bến xe, vận tải hành khách, khai thác dịch vụ phục vụ trong bến xe, cho thuê mặt bằng và kiosk, bãi đậu xe vận tải hàng hóa, giữ và chuyển hàng hóa hành lý bao gói, mua bán phụ tùng vật tư ôtô, xăng dầu...
Hiện chỉ có 2,5 triệu cổ phiếu WCS đang niêm yết trên thị trường chứng khoán song số lượng giao dịch trung bình mỗi phiên trong năm vừa qua của mã chứng khoán này chỉ vào khoảng 200 cổ phiếu/phiên.
Năm 2024, doanh thu của Bến xe Miền Tây tăng 48%, đạt 140 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 66 tỷ đồng, tăng 72% so với năm ngoái. Đáng chú ý, Bến xe Miền Tây cũng là một trong những doanh nghiệp thường xuyên chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao nhất thị trường.
Trong kế hoạch chia cổ tức gần nhất, WCS dự kiến tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 144%, tương ứng mỗi 1 cổ phiếu nhận về 14.400 đồng. Giai đoạn năm 2018-2019 trước dịch Covid-19, doanh nghiệp bến xe này thậm chí đã trả cổ tức cho cổ đông ở mức cao ngất ngưởng lên đến 400% và 516%.
Xếp thứ hai là mã HGM của CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM). Trong phiên gần nhất, có thời điểm cổ phiếu HGM chạm đỉnh 419.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực về cuối phiên khiến cổ phiếu này ngược dòng giảm gần 6% xuống 358.400 đồng/cổ phiếu.
Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang hoạt động trong mảng thăm dò và chế biến các loại khoáng sản, khai thác quặng kim loại không chứa sắt, trong đó sản phẩm chiến lược là Antimon. Antimon là kim loại mang tính chiến lược được sử dụng trong quân sự như đạn dược, tên lửa cũng như pin lưu trữ axit chì được sử dụng trong ôtô và má phanh nhờ đặc tính chịu nhiệt.
Trên thị trường, cổ phiếu HGM đã tăng 10/11 phiên gần nhất, trong đó có 3 tăng trần. Chỉ sau chưa đầy 1 tháng, mã chứng khoán này đã tăng tới gần 80%.
Cùng với nhóm cổ phiếu khoáng sản, thị giá HGM bùng nổ sau Trung Quốc thông báo hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt trong sản xuất quân sự và công nghệ cao sang Mỹ trong đó có Antimon. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 50% hoạt động khai thác và 80% sản lượng Antimon toàn cầu. Điều này khiến các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Vì vậy, việc hạn chế xuất khẩu được cho là thông tin tích cực hỗ trợ đà tăng giá của HGM khi công ty hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất Antimon thành phẩm ở quy mô công nghiệp.
Cũng tại ngày 14/2, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG tạm dừng ở 358.000 đồng/cổ phiếu, xếp thứ 3 về thị giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, cổ phiếu VNZ từng lập kỷ lục với mức giá 1,279 triệu đồng/cổ phiếu vào ngày 25/8/2023, mức cao nhất từ khi cổ phiếu này đăng ký giao dịch trên UPCoM và cũng là cổ phiếu duy nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thị giá vượt 1 triệu đồng những năm gần đây.
VNG là công ty công nghệ được thành lập năm 2004, năm 2014, công ty được đánh giá là startup "kỳ lân" công nghệ đầu tiên của Việt Nam (định giá trên 1 tỷ USD). Hiện hoạt động kinh doanh của VNG trải dài trên nhiều lĩnh vực công nghệ như trò chơi trực tuyến, Zalo và AI, thanh toán và tài chính, chuyển đổi số...
Nhiều tựa game online đình đám trong nước hiện đều do VNG giữ bản quyền phát hành như Liên Minh Huyền Thoại, PUBG Mobile, Roblox, Play Together...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường