1/3 doanh nghiệp trên sàn công bố BCTC: Du lịch giảm sâu; dược phẩm, khai khoáng, hoá chất “miễn nhiễm” Covid
Tổng doanh thu trong quý I/2020 của 530 doanh nghiệp, chiếm khoảng 1/3 số doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường (1.538 doanh nghiệp) đạt khoảng 175.510 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, các chi phí sản xuất vẫn duy trì ở mức cao khiến tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 7.880 tỷ đồng, giảm tới 41,5% so với quý I/2019.
Trong đó, các ngành có mức giảm lợi nhuận trước thuế mạnh nhất là du lịch giải trí (-74,22%), bia và đồ uống (-64,26%), sản xuất và phân phối điện (-52,68%), xây dựng và vật liệu xây dựng (-51,07%), truyền thông (-45,39%) và bất động sản (-23,82%).
Kết quả này không nằm ngoài dự đoán trước diễn biến kéo dài của dịch Covid – 19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ.
Về mặt giá trị tuyệt đối, đóng góp lớn nhất vào mức giảm chung của lợi nhuận trong số các doanh nghiệp đã công bố là nhóm nước và khí đốt, sản xuất và phân phối điện, sản xuất dầu khí và ngành xây dựng và vậy liệu xây dựng.
Bên cạnh những con số thiếu tích cực kể trên, cũng có một số ngành hầu như "miễn nhiễm" với tác động của dịch Covid-19 và là những điểm sáng về bức tranh chung của toàn thị trường như ngành dược phẩm (+22,03%), hóa chất (+47,05%), khai khoáng (+17,6%), lâm nghiệp và sản xuất giấy (+192,04%).
Diễn biến cụ thể của một số nhóm ngành:
Chỉ trong vòng từ đầu năm tới nay, ngành bia liên tiếp chịu 2 tác động lớn là nghị định 100 của Chính Phủ nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có nồng độ cồn và chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ về cách ly xã hội khiến các hàng quán hầu như phải đóng cửa toàn bộ.
Trước những khó khăn này, trong tổng số 16 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, có đến phân nửa doanh nghiệp báo lỗ và chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất bia.
Nhìn chung tính đến hiện tại, doanh thu và lợi nhuận toàn ngành bia và đồ uống lần lượt giảm 28,38% và 64,26% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch Covid bùng nổ từ tháng 1 khiến hoạt động vui chơi giải trí của người dân hầu như giảm ngay lập tức. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 16 doanh nghiệp trong ngành công bố báo cáo tài chính với mức doanh thu và lợi nhuận trung bình giảm 7,93% và 25,78% so với cùng kỳ. Nổi bật trong đó là SAS lợi nhuận giảm 82,29%, DSN giảm 77,29%, SKG giảm 77,86%, TCT giảm 80,45%.
Ngành sản xuất và phân phối điện cũng chứng kiến sự sụt giảm về kết quả kinh doanh quý I/2020 với lợi nhuận trước thuế giảm tới 52,68% so với cùng kỳ dù doanh thu của ngành tăng 7,13%. Mức giảm này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp thủy điện do tình trạng thiếu nước tại các hồ thủy điện.
Về phía các doanh nghiệp nhiệt điện thì có sự phân hóa riêng theo nhóm nhiệt điện chạy than và nhiệt điện chạy khí. Trong đó, với diễn biến giá dầu giảm mạnh, 2 doanh nghiệp thuộc nhóm nhiệt điện chạy khí là BTP và NT2 có được lợi thế phát điện thấp hơn và ghi nhận mức tăng trưởng dương về doanh thu và lợi nhuận trong quý này.
Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp nhiệt điện chạy than như PCC, QTP, NBP, NCP lại ghi nhận mức giảm lợi nhuận do chi phí mua than trong nước vẫn đang ở mức cao.
Tác động của dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản trong quý I/2020 diễn ra một cách trầm lắng đáng kể.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, số căn hộ chung cư bán ra chỉ đạt 1.980 căn, giảm 50% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ năm 2017. Còn tại Hà Nội, số căn hộ bán ra đạt 3.520 căn, giảm 49%.
Mức giao dịch thấp từ căn hộ bán ra và bàn giao cho khách hàng khiến doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 35,27% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm 23,82%.
Doanh thu đã công bố của 106 doanh nghiệp niêm yết trong ngành đạt 18.699 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,82% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, giảm 51,07%. Doanh nghiệp đứng đầu ngành xây dựng là CTD ghi nhận 3.553,8 tỷ đồng doanh thu và 154,9 tỷ lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 16,37% và 34,05%.
Một số doanh nghiệp nổi bật trong nhóm vật liệu xây dựng như BTS lợi nhuận giảm 43,31%, CVT giảm 95,71%, HT1 tăng 4,29%.
Mặc dù lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp trong ngành đã công bố Báo cáo tài chính giảm 17,73% so với cùng kỳ, tuy nhiên nếu loại trừ GAS ra khỏi rổ này thì lợi nhuận trước thuế của ngành tăng 7,29%.
Đa phần các doanh nghiệp trong ngành được niêm yết sau giai đoạn 2015 đến nay để thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Nhóm cổ phiếu này có mức thanh khoản tương đối thấp nhưng hoạt động kinh doanh tương đối ổn định do phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người.
Tuy nguồn cung dược liệu API bị thiếu trong do nhiều nhà máy sản xuất API của Trung Quốc đóng cửa, song hoạt động kinh doanh trong kỳ của ngành dược phẩm vẫn ghi nhận những nét tích cực.
Trong tổng số 18 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, có tới 16 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế dương so với cùng kỳ và mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình đạt 22,03%. Một số doanh nghiệp nổi bật trong ngành dược phẩm là DHG ghi nhận lợi nhuận tăng 29,15%, DHT tăng 31,71%, IMP tăng 14,1%, OPC tăng 22,94% và PME tăng 9,26%.
Hóa chất
Ngành hóa chất cũng là 1 điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh quý I/2020. Nhu cầu đầu ra tăng kèm diễn biến giá đầu vào một số hóa chất để phục vụ sản xuất giảm khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành nhìn chung là tích cực.
DGC - doanh nghiệp đứng dầu nhóm hóa chất cơ bản ghi nhận 210,12 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng 68,85% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất phân Ure hàng đầu cả nước là DPM có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 95,98% so với quý I/2019.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường