TỪ 1.7.2024: ẢNH HƯỞNG CỦA LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐẾN THỦ TỤC MUA BẢO HIỂM CHO TÀI SẢN THẾ CHẤP TẠI NGÂN HÀNG NHƯ THẾ NÀO?
Tại Luật này, khoản 5, Điều 15: HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Nội dung này hiện nay có 2 cách hiểu trong thực tế:
Một là, nghiêm cấm NH gắn việc bán những sản phẩm bảo hiểm tự nguyện (không thuộc danh mục sản phẩm bảo hiểm bắt buộc theo Luật kinh doanh bảo hiểm) với việc cung cấp dịch vụ của NH. Tức là NH chỉ được gắn việc bán các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc quy định tại Điều 8, Luật kinh doanh bảo hiểm, bao gồm:
a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài những sản phẩm trên ra, NH không được gắn việc bán bất cứ sản phẩm bảo hiểm nào khác, mặc dù sản phẩm đó là “bắt buộc” phải có trong hồ sơ cho vay theo quy định của ngành NH.
Hai là, NH không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không “bắt buộc phải có trong hồ sơ vay” theo quy định của ngành NH. Theo cách hiểu này thì các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện nhưng nó là bắt buộc phải có trong hồ sơ vay thì mới giải ngân được theo quy định ngành NH thì được phép bán, còn không thì hoàn toàn bị nghiêm cấm. Ví dụ như hồ sơ vay mua xe, thế chấp chính chiếc xe đó thì bảo hiểm vật chất xe (bảo hiểm tự nguyện) là “bắt buộc” phải có trong hồ sơ. Nó là một biện pháp đảm bảo an toàn cho NH. Nếu không có bảo hiểm mà tổn thất toàn bộ xảy ra với tài sản thì khoản vay thế chấp bỗng dưng biến thành khoản vay tín chấp, điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, NH được phép bán các sản phẩm dạng này.
Bạn hiểu theo cách nào? Hãy để lại ý kiến nhé.
Chia sẻ thông tin hữu ích