menu
24hmoney

Bài của Nguyễn Minh Thư

Pro
Những doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận được dự báo là giảm tốc mạnh
Báo cáo của FiinGroup cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở nhóm doanh nghiệp bất động sản xây dựng - nhà ở dự báo giảm tốc mạnh so với năm 2021, mà nguyên nhân chính xuất phát từ động thái siết chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực địa ốc của cơ quan quản lý, chi phí đầu vào tăng cao và vướng mắc pháp lý dự án chậm được gỡ vướng.
Tại Công ty cổ phần Fecon (mã FCN), sau quý đầu năm 2022 ảm đảm khi doanh thu đạt 502 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ 2021 và lỗ sau thuế hơn 6.6 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh quý II/2022 - theo chia sẻ của lãnh đạo FCN - vẫn chưa có dấu hiệu khả quan khi tiến độ triển khai các dự án tiếp tục chậm trễ, trong khi giá vốn hàng bán chiếm tới 82% tổng doanh thu, chi phí lãi vay và thuê tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Còn lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển (mã DIG) cho hay, các doanh nghiệp địa ốc mới chỉ hoạt động ổn định trở lại từ quý II/2022 nên tốc độ bán hàng chưa thể đẩy mạnh. Hơn nữa, lợi nhuận của DIG thường tập trung vào giai đoạn cuối năm, nên quý II/2022 vẫn là thời gian thấp điểm, bởi vậy lợi nhuận khó cải thiện.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp lĩnh vực vật liệu xây dựng nói chung, tôn thép nói riêng được dự báo giảm 18.3% trong năm 2022, trong đó trở lực đối với đà tăng trưởng bao gồm biên EBIT (biên lợi nhuận trước lãi vay và thuế) thu hẹp do giá bán ra liên tục giảm, đi ngược với chi phí nguyên vật liệu đầu vào (giá than luyện cốc) liên tục tăng, trong khi nhu cầu kém tích cực (phần lớn vì ảnh hưởng từ thị trường bất động sản dân cư) và cạnh tranh cao với nguồn nhập khẩu.
Cụ thể, với Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), SSI Research điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận ròng năm 2022 xuống mức 26,500 tỷ đồng (giảm 23.1% so với năm 2021) chủ yếu do giả định giá thép giảm. Sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC, thép ống và phôi thép ước tính lần lượt là 4.7 triệu tấn (tăng 19%), 2.8 triệu tấn (tăng 9%), 690,000 tấn (tăng 5%) và 700,000 tấn (giảm 46.6%).
Với Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1,400 tỷ đồng, giảm 67% so với năm trước, cho dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Theo đó, sản lượng tiêu thụ ước giảm 12.7% xuống 1.96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể tăng 6%.
Hay như Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự báo giảm 39% so với năm 2021 về mức 1,350 tỷ đồng.
Kết luận: Nhìn vào quy mô doanh nghiệp, mặt bằng lợi nhuận của những doanh nghiệp này vẫn cao, nhưng nếu so sánh với kết quả kinh doanh của chính doanh nghiệp thì xu hướng giảm là rõ nét.
Nhà đầu tư lưu ý
16 Yêu thích
15 Bình luận 16 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ